Sáng 22-5, phát biểu tại tổ ĐBQH Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ lo lắng về dịch tả heo châu Phi cùng nhiều tác động tiêu cực khác đến ngành nông nghiệp hiện nay.
Về dịch tả heo châu Phi, trước đó, phát biểu tại tổ ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là loại bệnh nguy hiểm nhất đối với chăn nuôi đàn heo trên thế giới và Việt Nam; đến nay vẫn không có thuốc phòng và thuốc chữa nên đã mắc là buộc phải tiêu hủy.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện trên thế giới, dịch đã xuất hiện ở cả 5 châu lục, 60 nước. Ở Việt Nam, dù đã xây dựng các kịch bản phòng ngừa, nhưng do đường biên giới dài, lượng khách xuất nhập cảnh lớn nên ngày 1-12-2018 đã bị dịch. Đến ngày 21-5, dịch xuất hiện ở An Giang. Như vậy, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở 37 tỉnh, thành; số lượng phải tiêu hủy khoảng 1,6 triệu con, 65.000 tấn, chiếm 5% tổng đàn lợn nuôi.
"Ban Bí thư đã phải ban hành chỉ thị, Thủ tướng đã 3 lần họp trực tuyến, có 50 văn bản chỉ đạo, các địa phương có hàng trăm chỉ đạo. Nhưng với tính chất của dịch bệnh và đặc thù Việt Nam có 55% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc ngăn chặn rất khó, đặc biệt là trong điều kiện chưa năm nào có diễn biến thời tiết phức tạp như năm nay. Chưa bao giờ có hoa sữa, hoa bằng lăng nở cùng vào mùa này. Dự báo với đà này nếu không triển khai tốt công tác vệ sinh an toàn sinh học tốt thì dịch bệnh vẫn có thể lan tiếp. Có 30 xã đã qua 30 ngày không có dịch, nhưng rồi dịch lại quay trở lại. Hiện chúng tôi đang giao Trung tâm Khoa học công nghệ của Bộ và kết hợp cả các đơn vị ngoài ngành đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phát triển vaccine; đồng thời phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện nhóm giải pháp về y tế, xử lý thế nào ngoài chôn lấp, tận dụng như thế nào… Nga đã tốn 5 tỷ USD cho dịch này, Ba Lan, Trung Quốc cũng tốn kém rất nhiều”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.