Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Chiến lược quản trị dữ liệu phải đi vào cuộc sống

“Có chiến lược tốt là thành công nhưng tổ chức thực hiện để chiến lược đó đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực cho việc xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số thì đó mới là kết quả cụ thể để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Ngày 3-3, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đồng chủ trì tại điểm cầu UBND TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Tham dự có: bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM; các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; chuyên gia tại điểm cầu Singapore và đại diện sở ban ngành.

UBND TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: CAO THĂNG
UBND TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: CAO THĂNG

Trao đổi cùng lãnh đạo TPHCM, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược quản trị dữ liệu và đề xuất TPHCM tiếp tục đầu tư xây dựng thể chế phù hợp để quản lý tài sản dữ liệu một cách an toàn và tối đa hóa giá trị của tài sản dữ liệu. Trong đó, việc xây dựng một đơn vị chuyên trách để quản lý dữ liệu và chuyển đổi số rất quan trọng để đảm bảo chiến lược quản trị dữ liệu của thành phố. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hợp tác cùng với TPHCM để triển khai chiến lược này. Ngân hàng Thế giới cũng có thể giúp cho thành phố trong các hoạt động về chuyển đổi số nhằm tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế xã hội của TPHCM.

Góp ý thêm cho Chiến lược của TPHCM, bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM mong muốn Chiến lược quản trị dữ liệu của thành phố sẽ được triển khai hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của lãnh đạo thành phố trong việc tận dụng số liệu để ra quyết định tốt hơn và củng cố nền kinh tế số, xã hội số của TPHCM.

“Đây là ví dụ tuyệt vời mà các bên đã và sẽ đạt được cùng nhau. Hy vọng sẽ thấy sự hợp tác kỹ thuật số được tăng cường hơn nữa ở Việt Nam ở cấp Trung ương và địa phương”, bà Sarah Hooper nói.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gửi lời cám ơn tới Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TPHCM và các chuyên gia thời gian qua đã giúp TPHCM xây dựng đề án thành phố thông minh.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

“Nếu để thành phố tự lực làm sẽ rất khó thành công, vì vậy TPHCM rất cần sự hợp tác quốc tế để huy động được sự hỗ trợ từ bên ngoài, xem đây là nguồn lực rất quan trọng”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh rồi cho biết, việc chuyển đổi số của thành phố và xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh thì việc xây dựng dữ liệu chung của thành phố rất quan trọng. Tuy nhiên, do đây là mô hình mới, thành phố cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ, dù đã nỗ lực phát huy nội lực và đạt được một số kết quả tích cực ban đầu.

Người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định: “TPHCM đã ban hành được Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Có chiến lược tốt là thành công nhưng tổ chức thực hiện để chiến lược đó đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực cho việc xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số thì đó mới là kết quả cụ thể để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Vì vậy, TPHCM mong muốn Ngân hàng Thế giới, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TPHCM và các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ thành phố trong suốt quá trình triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu”.

Đối với thành phố, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị, thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục tập trung cao để từng cơ quan, cá nhân hiểu đúng và thực hiện tốt nhằm đảm bảo Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được hiệu quả. Cạnh đó, các sở ban ngành phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai tại địa bàn quận huyện, TP Thủ Đức. Các quận huyện, TP Thủ Đức triển khai tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo, khai thác phát triển sử dụng dữ liệu cho hiệu quả.

Đồng chí yêu cầu, Sở TT-TT TP và Sở Nội vụ TPHCM trong 6 tháng đầu năm nghiên cứu và tham mưu cho thành phố thành lập Trung tâm chuyển đổi số TPHCM để để kết nối sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức tham gia thống nhất các hoạt động trong triển khai công việc về chuyển đổi số.

Trước đó, vào đầu tháng 2-2023, UBND TPHCM đã phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong các kết quả quan trọng của Chương trình hợp tác giữa UBND TPHCM và Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2022 – 2023.

Chiến lược tạo lập các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin nền tảng phục vụ mục tiêu chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh của thành phố; thúc đẩy trao đổi, chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước của thành phố, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu; chuẩn hóa các nhóm dữ liệu đảm bảo kết nối, chia sẻ, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Từ nay đến năm 2025, Chiến lược dữ liệu của TPHCM tập trung vào 3 nhóm dữ liệu chính: nhóm dữ liệu về người dân (gồm các nhóm dữ liệu hành chính, hộ tịch, y tế, giáo dục, an sinh); nhóm dữ liệu tài chính – doanh nghiệp (tổng hợp và thống kê thu chi ngân sách, quản lý đầu tư công, doanh nghiệp – hộ kinh doanh cá thể; nhóm dữ liệu về đất đai – đô thị (đất đai, thông tin địa lý, ngành xây dựng, giao thông, quy hoạch – kiến trúc).

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025: 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất trên địa bàn TPHCM. Hoàn thành tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh; dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; dữ liệu về thu-chi ngân sách, giải ngân đầu tư công. Các sở ngành, địa phương mỗi năm có ít nhất một sáng kiến sử dụng dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định. 100% cơ sở dữ liệu của thành phố phải được lưu trữ, quản lý tại Trung tâm dữ liệu Thành phố.

Tin cùng chuyên mục