Dư luận thực sự bị sốc với thông tin Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội (quận Bình Thạnh, TPHCM), xâm hại tình dục nhiều bé gái tại đây. Thật nhẫn tâm khi người nhân viên làm nhiệm vụ giáo dưỡng lại có hành vi xâm hại các trẻ em côi cút, bất hạnh, phải sống lang thang xin ăn, sa ngã cần được cứu giúp.
Các trung tâm bảo trợ xã hội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TB-XH, có chức năng thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cho đối tượng xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống; quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, cưỡng bức lao động, người lang thang xin ăn. Nói chung, đó là những đối tượng yếu thế trong xã hội, rất cần được hỗ trợ để vượt lên trên nghịch cảnh. Có những trường hợp bị quản lý tập trung nhưng không phải là phạm nhân, do vậy, việc giáo dưỡng phải trên tinh thần tôn trọng quyền con người, với tình cảm nhân ái, và với ý thức trách nhiệm chăm sóc hướng thiện, giúp tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp sau khi được giáo dưỡng, trở về cộng đồng lại tiếp tục sống lang thang ăn xin, làm những việc sai trái, một phần do chưa được cảm hóa hướng thiện, do không có điều kiện và năng lực để kiếm sống lương thiện. Nhưng còn có một nguyên nhân đáng buồn là việc giáo dưỡng không chu đáo, không đúng mực. Qua điều tra ban đầu vụ án Nguyễn Tiến Dũng cho thấy, để thỏa mãn dục vọng đê hèn, kẻ dâm ô đã dụ dỗ, xúc phạm, cưỡng ép xâm hại các bé gái bằng cách cho thuốc lá, bật lửa, nước sôi để ăn mì gói…, và hăm dọa không được nói cho người khác biết. Chi tiết đó cho thấy các bé gái này bị quản lý tập trung trong tình cảnh không có người gần gũi tư vấn tâm lý, giúp rèn luyện thể chất, chăm sóc việc ăn ngủ. Sự lỏng lẻo đó đã tạo điều kiện cho cái xấu, cái ác lộng hành. Khi trẻ sống ở một trung tâm bảo trợ xã hội mà lại bị đối mặt với kẻ dâm ô, lạm quyền, bị ức hiếp như vậy, thì tâm hồn bị đầu độc, tinh thần bị khủng hoảng, thân xác bị xâm hại, dẫn đến có những nhìn nhận, suy nghĩ tiêu cực, phiến diện, mất niềm tin vào xã hội và vào bản thân mình, làm sao có khát vọng hướng thiện và có lòng tin để vào đời!
Vụ án này là bài học cho các trung tâm bảo trợ xã hội, cho ngành LĐ-TB-XH, và cho chính quyền các tỉnh thành trong cả nước. Cần có quy chế chặt chẽ hơn về việc giáo dưỡng ở các trung tâm bảo trợ xã hội; có sự giám sát thường xuyên để phát hiện và ngăn chặn ngay những sai phạm trong cách tổ chức quản lý, chấn chỉnh những cách giáo dưỡng thiếu tôn trọng nhân cách, thiếu tình người, phản giáo dục, vi phạm pháp luật, nhất là Luật Trẻ em. Cần phải kiểm tra, sàng lọc những cán bộ quản lý, nhân viên giáo dưỡng suy thoái, biến chất ức hiếp, lạm dụng, xâm hại người bị quản lý tập trung. Rất cần nâng cao nhận thức, quản lý chất lượng giáo dưỡng một cách nghiêm ngặt để người được giáo dưỡng có kỹ năng sống, có tự tin vào đời. Cũng rất cần có nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng giáo dưỡng, vì đây thực sự là một vấn đề xã hội quan trọng. Giáo dưỡng không phải chỉ là công việc của các cơ quan chính quyền, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, cần có những cán bộ chuyên nghiệp được trang bị những kiến thức cơ bản về công tác xã hội nói chung, từ đó vận dụng linh hoạt vào công tác giáo dưỡng.