Góp ý kiến “Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng”

Chú trọng giáo dục làm người, vun bồi văn hóa truyền thống, củng cố niềm tin, lý tưởng XHCN

Chú trọng giáo dục làm người, vun bồi văn hóa truyền thống, củng cố niềm tin, lý tưởng XHCN

Tôi hoàn toàn đồng ý với các báo cáo của Đảng và Nhà nước về thắng lợi đã đạt được. Tôi thật sự rất phấn khởi về những con đường, về những công trình v.v… được xây dựng thêm, về những tiến bộ trong mọi lĩnh vực của ta nhưng tôi thấy nhiều mặt chúng ta cũng chưa nói hết và tuyên truyền đúng mức.

Vừa qua, cùng với Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương, tôi đã đi thăm 10 phường, xã nghèo nhất của 3 quận, huyện ở TPHCM mà chính quyền thành phố đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm v.v…

Chú trọng giáo dục làm người, vun bồi văn hóa truyền thống, củng cố niềm tin, lý tưởng XHCN ảnh 1
Tặng quà từ thiện cho đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên

Bộ mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội ở đây đã thay đổi hẳn. Quả là hết sức phấn khởi nhưng tôi lại không thấy báo chí, phát thanh, truyền hình cùng đi để ghi lại những hình ảnh hết sức thuyết phục này, tôi rất tiếc. Trong khi đó hàng ngày những tin tiêu cực đầy rẫy trên báo chí, mà đó cũng là một sự thật. Tôi lại càng thấy bức xúc phải tuyên truyền mạnh hơn nữa những mặt tốt đã làm được.

Vừa qua báo chí cũng đã nêu nhiều gương điển hình, nhưng chưa được nghiên cứu nghiêm túc để nhân rộng ra cả nước nhằm phát động thi đua theo gương điển hình và vượt điển hình tiên tiến đó. Tôi cho đây là phương pháp hiệu nghiệm nhất, cơ bản nhất để đẩy lùi tiêu cực, cũng như phát huy sức mạnh vũ bão của nhân dân ta, để thực hiện một cách mau chóng và vững chắc các mục tiêu mà Đảng ta đã đặt ra.

Tôi cứ trăn trở mãi tại sao một dân tộc có một quá khứ anh hùng, có một nền văn hóa, đạo đức cao quí như dân tộc ta, đời sống vật chất chưa bao giờ được như ngày nay (mặc dầu vẫn còn người nghèo đói và so với nhiều nước khác thì đời sống còn thấp hơn họ), thế mà văn hóa, đạo đức lại sa sút và tội phạm lại nhiều như bây giờ?

Những thách thức cực kỳ nguy hiểm trên không thể chỉ đối phó bằng những luật định, những biện pháp hành chính và tư pháp, mặc dầu đó là những việc rất cần thiết không thể thiếu được. Muốn bài trừ tận gốc những vấn đề nhức nhối này, Đảng và Nhà nước cần tìm ra nguyên nhân chủ yếu của vấn đề. Theo tôi đó là:

1- Sai lầm về đường lối giáo dục

Đảng và Nhà nước đã từng nêu, giáo dục là quốc sách hàng đầu và chúng ta cũng đã đạt thành tích không nhỏ trong vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta lại có nhiều thiếu sót, trong đó sai lầm lớn nhất và cơ bản nhất là sai lầm về đường lối giáo dục, giáo dục làm người.

Lúc còn sống, khi xem chương trình của 9 lớp tiểu học và trung học cơ sở, Bác Hồ đã phát biểu: “Sao dạy làm người ít quá!”. Khi vô thăm một trường Đảng, Bác cũng viết vào sổ lưu niệm: Phải dạy làm người. Bác cũng đã nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Vừa qua Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã nói: “Học làm người là phải học sử”.

Thế mà vừa qua kết quả thi môn sử của học sinh cấp 3 thật là thê thảm, đa số là điểm 0, cho tới điểm 3. Đây là vấn đề nhức nhối, mất gốc không thể chấp nhận được. Ngay cả trong đội ngũ nhà giáo cũng có nhiều vấn đề chúng ta không thể yên tâm được.

Tình trạng hết sức buồn lòng này không phải chỉ có trách nhiệm của thầy, cô và các cháu mà chính là ở đường lối giáo dục và chính sách đối với ngành giáo dục của chúng ta.

Nền giáo dục trước Đại hội VI của Đảng là một nền giáo dục duy ý chí, tập trung, quan liêu, bao cấp mà chưa có nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Sau Đại hội VI thì khuynh hướng giáo dục lại chuyển qua giáo dục thực dụng. Cái gì làm ra tiền thì đổ xô vào dạy và học. Đây cũng là nhu cầu của con người, nhu cầu phát triển của xã hội. Nhưng chúng ta nhất thiết phải coi giáo dục làm người là vấn đề cốt lõi của giáo dục. Một nền giáo dục mất gốc thì sẽ đưa cả dân tộc chúng ta đến những nguy cơ không thể lường được.

Tại sao chúng ta không thể quy định hệ số của sử học bằng hệ số của toán học, là một môn thi bắt buộc thi hết cấp III và thi vô các trường đại học?

Tại sao chúng ta lại bỏ môn Hán Nôm, trong khi Hán Nôm có một vị trí cực kỳ quan trọng trong nền văn hóa của chúng ta? Ngay cả những từ ngữ cho đến cấu trúc câu văn của Hán Nôm cũng đều mang tính nhân văn, đạo lý rất sâu sắc và hết sức thấm thía đến tận tâm can, tình cảm của dân tộc ta. Tôi cho rằng hệ số của môn học Hán Nôm không thể thua hệ số của môn tiếng Anh được. Không có tiếng Anh thì không thể hội nhập toàn cầu, cũng như không thể tiếp cận với những nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay. Mặt khác chúng ta cũng cần phải thấy nếu không học Hán Nôm, không giữ lấy bản sắc dân tộc thì chúng ta sẽ đi tới đâu?

Học Hán Nôm, học tư tưởng văn hóa Việt Nam, học triết học phương Đông, học triết học Tam giáo (Lão giáo, Nho giáo, Phật giáo) là cực kỳ cần thiết để thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là kết hợp nhuần nhuyền giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng văn hóa Việt Nam và văn hóa triết học phương Đông, làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin phát triển lên một tầm cao mới, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc và có một sức thuyết phục rất cao. Tư tưởng, văn hóa Việt Nam và văn hóa, triết học phương Đông phải được cụ thể hóa trong các trường tiểu học và phải được dạy lý thuyết trong các trường cấp III, các trường đại học và trường Đảng. Không học những vấn đề này thì không hiểu đúng được tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tôi đề nghị phải thiết kế một quy trình: “Tiên học lễ, hậu học văn” từ các lớp mầm non, cho đến tiểu học. Tôi cũng đề nghị phải có thêm môn học về luân lý mà trước đây chúng tôi đã được học. Theo tôi đây là một môn học rất bổ ích không thể thiếu được trong giáo dục làm người. Khoa công dân giáo dục không thể thay thế được khoa luân lý giáo dục.

Trong khi chúng ta đang chuẩn bị hội nhập toàn cầu với chủ trương hòa nhập, không hòa tan, vấn đề giáo dục làm người, vun bồi và phát huy nguồn gốc của ta lại càng trở lên cấp thiết.

Tôi tha thiết mong mỏi và khát khao hy vọng được Đại hội Đảng lần này đặt thành một vấn đề lớn trong nghị trình của mình.

2- Khủng hoảng về niềm tin đối với chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản không được tích cực và kiên trì giải quyết

Ai cũng rõ sự đổ vỡ của chế độ XHCN duy ý chí, tập trung, quan liêu, bao cấp vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20, đã dẫn đến khủng hoảng niềm tin tệ hại đối với CNXH và lý tưởng cộng sản. Sự khủng hoảng niềm tin này đã và đang dẫn đến những nguy cơ và tiêu cực trong xã hội, cũng như trong Đảng. Lý ra cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa CNXH và CNTB phải càng trở nên quyết liệt cả trên mặt thực tiễn và lý luận, nhất là trên mặt thực tiễn. Nếu không có thực tiễn thuyết phục về xây dựng chế độ XHCN thì cũng chẳng có cơ sở khoa học vững chắc cho lý luận được.

Thay vì với tinh thần cách mạng tấn công để bảo vệ CNXH và lý tưởng cộng sản, thì chúng ta quay về tập trung đổi mới và phát triển kinh tế một cách khá đơn độc, thiếu đồng bộ, coi nhẹ các mặt khác, làm cho kinh tế cũng không thể phát triển bền vững mà xã hội cũng không thể ổn định được.

Mặc dầu Đảng, Nhà nước ta đã đề ra khẩu hiệu rất đúng đắn: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các địa phương và dân tộc ngày càng lớn. Đây thực sự là một nghịch lý không thể chấp nhận được đối với một nước XHCN.

Không có CNXH thì chúng ta mất lý tưởng. Sinh mệnh của Đảng bị đe dọa, tình trạng ly tâm tất yếu sẽ diễn ra trong Đảng và ngay cả trong xã hội.

Tôi thiết nghĩ Đại hội Đảng phải thiết kế quy hoạch và kế hoạch cụ thể về xây dựng XHCN ở Việt Nam từng bước dù là rất chậm, nhưng vững chắc như “hủ lô cán đá”. Đó cũng là chương trình xóa đói, giảm nghèo toàn diện, đồng bộ, kết hợp giữa phong trào cách mạng của quần chúng với các chủ trương, chính sách xã hội của Nhà nước, từng bước làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các địa phương và dân tộc khác nhau. Đây là thước đo của công bằng, của CNXH.

Chúng ta luôn luôn nêu cao khẩu hiệu: Xây dựng thành công một nước Việt Nam XHCN. Nhưng nếu Đại hội Đảng, cũng như các cuộc họp của Quốc hội không đặt vấn đề này cùng với phát triển kinh tế (mà phát triển kinh tế cũng là theo định hướng XHCN) lên hàng đầu của chương trình nghị sự của mình thì tôi cho là mất phương hướng. Thật là một nghịch lý đến ngỡ ngàng, nếu những người cộng sản, những nước vẫn coi mình là XHCN lại buông lơi công cuộc xây dựng chế độ XHCN, thực hiện công bằng xã hội. Công bằng xã hội là khát vọng nóng bỏng của hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có cả dân tộc Việt Nam và đây cũng đang là lương tâm và trách nhiệm của nhân loại.

Hiện nay trên thế giới không chỉ có “diễn biến hòa bình” phản cách mạng mà còn đang diễn ra hòa bình cách mạng. Trào lưu đòi công bằng xã hội đang phát triển. Các tổ chức quốc tế như LHQ, WTO... trước kia được thiết chế để cho các siêu cường tư bản khống chế, điều khiển thế giới theo ý đồ của họ, thì nay càng trở thành diễn đàn đấu tranh chống áp bức và bất công, chống chiến tranh, giữ gìn hòa bình… Thế giới nghèo đói, dốt nát, bệnh tật, những nhân vật tiến bộ, những người có lương tri đang dần dần tập trung lại thành mặt trận rộng lớn chống mọi áp bức bất công.

Công cuộc xây dựng XHCN ở nước ta ngày nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một cuộc cách mạng đầy tính nhân văn, hợp với lòng người trong tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta đang được cả thế giới khen ngợi thế thì tại sao chúng ta không tập trung làm mạnh hơn nữa, đúng mức hơn nữa.

Nếu không xây dựng CNXH, nếu khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng thì chúng ta chỉ có thể là đang xây dựng chế độ tư bản. Mặt trái của chủ nghĩa tư bản đang tác động tiêu cực đến văn hóa - xã hội của nước ta. Những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản, đồng tiền trên hết, chủ nghĩa thực dụng v.v… đang phá vỡ đạo đức cả trong xã hội lẫn trong Đảng.

Đối với nước ta hiện nay, các hình thức kinh tế phi xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết để tạo ra cơ sở vật chất trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Những nhà doanh nhân hoạt động trong các thành phần kinh tế tư nhân mà trước đây thường gọi là nhà tư sản ở nước ta là những người yêu nước, nếu họ là tư sản thì cũng là nhà tư sản dân tộc yêu nước, chúng ta không cần phải nghi ngờ gì cả.

Đó là vốn quý và là yêu cầu phát triển kinh tế mà chúng ta phải luôn luôn vun bồi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy cho thật hết những mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, của giai cấp tư sản. Nếu chúng ta lại tôn sùng quá mức những lực lượng này, mà coi nhẹ những lực lượng xã hội khác, nhất là coi nhẹ tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ, không quyết tâm xây dựng XHCN thì quả là một sai lầm nghiêm trọng về mọi mặt kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đây cũng có nghĩa là chúng ta phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chúng ta phải thực hiện thật nghiêm túc đường lối: “đồng thời phải giương cao 2 ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Phải đi trên cả hai chân một cách thật vững chắc:

a - Tiếp tục phát huy cơ chế thị trường, coi trọng phát huy và bồi dưỡng đúng mức tầng lớp tư sản ở nước ta, thực hiện cho được đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng của Bác Hồ.

b - Từng ngày, từng giờ, từng bước chúng ta phải bằng mọi cách giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các địa phương, giữa các dân tộc, kiên trì đường lối XHCN dù chỉ nhích từng bước một, cũng quyết không rời đường lối cốt lõi và lý tưởng của mình.

3- Chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực

Đạo đức xuống cấp, khủng hoảng niềm tin, lại thu nhập thấp kém thì tất yếu phát sinh ra tiêu cực. Không giải quyết được 3 mâu thuẫn này thì chúng ta không làm sao chống được tận gốc tiêu cực, tham nhũng. Tôi hiểu, nhà nước ta tăng lương cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó lương tăng không được bao nhiêu, thì giá lại leo thang làm cho tăng lương bị vô hiệu hóa.

Theo tôi, muốn tăng lương phải kèm một loạt biện pháp sau đây:

a - Phải chống cho được tham ô, lãng phí và triệt để tiết kiệm.

b - Cương quyết từ nay cho đến năm 2010 phải giảm được 25% biên chế Nhà nước. Những người đưa ra khỏi biên chế phải được đảm bảo đời sống và hỗ trợ cho họ chuyển đổi ngành nghề.

Để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, ngoài những luật, lệnh, vấn đề cơ bản nhất là phải phát động cho được phong trào tiết kiệm cả trong nhân dân lẫn trong cơ quan Đảng và Nhà nước, nhất là trong cơ quan Đảng, Nhà nước. Lãng phí cũng đang trở thành “quốc nạn”, nhiều trụ sở làm việc từ Trung ương tới địa phương được xây dựng một cách quá nguy nga, đồ sộ, trên xa mức cần thiết.

Làm sao phát động cho được phong trào cách mạng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, coi đó là một trong những vấn đề cốt lõi để xây dựng xã hội lành mạnh và Đảng trong sạch vững mạnh.

Chính trên những cơ sở của các biện pháp nêu trên mà chúng ta có thể nhanh chóng tăng lương cho cán bộ, công nhân, viên chức và các chiến sĩ, sĩ quan trong lực lượng vũ trang mà không ngại thiếu tiền, làm cho họ an tâm và đóng góp to lớn vào việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện.

Xã hội có một nền văn hóa, đạo đức cao, con người có lý tưởng đẹp đẽ, thu nhập đủ sống thì dứt khoát về cơ bản chống được tệ nạn quan liêu, tham nhũng, xã hội nhất định sẽ lành mạnh, Đảng nhất định sẽ trong sạch, vững mạnh, thống nhất. Dân tộc ta, cũng như Đảng ta sẽ vượt lên trên tất cả những tiêu cực, suy thoái nghiêm trọng hiện nay. Nhất định sẽ xây dựng thành công một cách vững chắc và vẻ vang một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu, mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng hòa bình và tiến bộ trên thế giới. 

MAI CHÍ THỌ

Tin cùng chuyên mục