Chữa bệnh - nhiều nỗi lo

NGUYỄN QUỐC

Vào cuối tháng 11 tới hoặc chậm nhất là tháng 12, Thông tư liên bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được ban hành và có hiệu lực. Và như vậy, sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT đang thanh toán sẽ tăng giá do tính thêm tiền lương và phụ cấp của cán bộ, nhân viên y tế vào viện phí.

Lý giải về việc viện phí sẽ tiếp tục tăng, Bộ Y tế cho biết, giá viện phí nếu tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp..., nhưng hiện nay, viện phí mới tính một phần các chi phí trực tiếp cấu thành (3/7 yếu tố). Và thực tế sau 3 năm điều chỉnh viện phí, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60% - 80% của 3 yếu tố cấu thành nhưng đã mang lại hiệu quả nhất định cho người bệnh, nhất là người có BHYT. Các bệnh viện cũng có thêm nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh tốt hơn. Bộ Y tế cũng khẳng định, việc tăng giá viện phí tới đây thì những người có thẻ BHYT và đặc biệt là khoảng 23,7 triệu người nghèo, đối tượng chính sách có thẻ BHYT được hưởng lợi nhất vì khi đi khám bệnh, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí (trước là 95%). Hơn nữa, không chỉ có người bệnh có thẻ BHYT được hưởng lợi mà các bệnh viện cũng sẽ được lợi dù áp lực nhiều hơn. 

Như vậy, quan điểm của ngành y tế về việc tăng viện phí chính là nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh tốt hơn và bảo đảm hoạt động ổn định của bệnh viện. Theo Bộ Y tế, viện phí tăng tới đây chỉ những người không có BHYT (khoảng 24 triệu người) là bị ảnh hưởng nhất khi đi khám chữa bệnh vì họ sẽ phải gánh chịu thêm chí phí khám chữa bệnh và thuốc men tăng cao.

Thẳng thắn nhìn nhận, cũng như giá điện, xăng dầu, giá viện phí có những sự tác động trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội mà trực tiếp là người dân. Thực tế, ngay cả những người có BHYT như: người cận nghèo, người lao động… cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định khi viện phí tăng, vì theo quy định BHYT thì họ phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh từ 5% - 20%. Đồng thời, viện phí tăng cũng gây ra nguy cơ bội chi đối với Quỹ BHYT. Trong khi đó, công bằng mà nói, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện công lập nhiều năm qua mới chỉ được cải thiện ở mức độ... khiêm tốn. Tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương, người bệnh vẫn phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ mới tới lượt khám, rồi phải nằm ghép 2 - 3 người/giường. Thái độ ứng xử của một số cán bộ y tế vẫn gây bức xúc, phiền lòng người bệnh. Chưa kể các bệnh viện tuyến dưới chất lượng điều trị không đảm bảo khiến người bệnh phải thường xuyên vượt tuyến lên bệnh viện tuyến trên...

Để “gánh nặng” trên vai người bệnh vơi đi khi viện phí điều chỉnh tăng, đòi hỏi Bộ Y tế, các cơ quan chức năng cũng như các bệnh viện phải nỗ lực hơn nữa, không chỉ cần đẩy nhanh BHYT toàn dân, giảm quá tải, nâng chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ vì sự hài lòng của người bệnh mà còn phải kiên quyết xử lý nghiêm minh mọi hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân mỗi khi đi khám chữa bệnh.


NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục