Chữa bệnh quá tải thông tin

Cuộc chiến Libya, khủng hoảng nợ Ai Cập hay vụ bê bối tình dục của cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn… là một phần trong vô số các thông tin tràn ngập thế giới. Tiếp nhận thông tin quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì lẽ đó, Bảo tàng Truyền thông tại Bern, Thụy Sĩ, vừa có sáng kiến giúp những người bị “bội thực thông tin” bằng một cuộc triển lãm kéo dài cho tới 15-7-2012.

Du khách được dẫn vào một căn phòng tối với 12.000 cuốn sách chễm chệ trên kệ được rọi đèn sáng, tượng trưng cho lượng thông tin mà hàng ngày người đọc bị “dội bom”. Những người tổ chức cuộc triển lãm độc đáo này cho rằng, nếu tất cả mọi công dân trên hành tinh cùng nhau tiếp nhận hết các thông tin trên toàn cầu sẽ tương đương với việc mỗi người đọc 12.000 cuốn sách.

Khách đến Bảo tàng Truyền thông Thụy Sĩ điều trị chứng quá tải thông tin.

Khách đến Bảo tàng Truyền thông Thụy Sĩ điều trị chứng quá tải thông tin.

Giám đốc Viện Bảo tàng Jacqueline Strauss nói: “Về nguyên tắc, truyền thông là quan trọng và có thể giúp người ta giải khuây nhưng ngày nay đang có tình trạng “lũ” thông tin”. Bà ví việc tiếp nhận quá nhiều thông tin cũng như ăn quá nhiều, sẽ không tốt. Vì vậy, cần tiếp nhận thông tin một cách cân bằng cũng như ăn kiêng để đảm bảo sức khỏe.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Bern, một người có thể tiếp nhận lượng thông tin trung bình tương đương 350 trang sách trong một ngày nếu người đó không làm gì hết. Hiện nay trên thế giới, mỗi ngày thông qua Internet, e-mail, điện thoại, báo chí, phát thanh, truyền hình, lượng thông tin tổng cộng khoảng 7,355 tỷ gigaoctet, tương đương hàng tỷ cuốn sách.

Đối mặt với lượng thông tin như vậy, đã có nhiều trường hợp bị bệnh hoặc có triệu chứng quá tải do tiếp nhận thông tin quá nhiều. Hoặc cũng có thể trở thành con nghiện như nghiện rượu và thuốc lá. Cuộc triển lãm trên xem như một lời cảnh báo.

Ngay lối vào Bảo tàng Truyền thông được lắp màn ảnh với một phụ nữ cảnh báo: “Quảng cáo tràn ngập trên các hộp thư điện tử, các kênh truyền hình cáp. Bạn có thấy căng thẳng hay quá tải không?”. Nếu câu trả lời là “có”, khách sẽ được mời vào phòng kiểm tra, nơi đó, họ sẽ được trả lời trong một bản trắc nghiệm để có được cách điều trị thích hợp.

Khách sẽ được các hướng dẫn vào các cửa thích hợp. Cửa xanh dành cho người không gặp vấn đề gì, cửa vàng dành cho người bị rối loạn nhẹ do tiếp nhận thông tin quá nhiều. Vào cửa này, khách sẽ được hướng dẫn cách sắp xếp lại việc tiếp nhận thông tin, kể cả hộp thư điện tử.

Với những khách bị “bệnh” nặng, có 2 cách chữa trị. Họ được đưa vào phòng điều trị, được mô tả là “ánh sáng khép kín” và ngồi trên một tấm nệm màu đen để thư giãn. Một vệt sáng màu đỏ buộc khách phải nhắm mắt lại và một giọng nói phụ nữ thúc giục ông ta đứng lên đi. Cách này như thể khiến “bệnh nhân” không thể ngồi lâu để đọc thông tin.

Phòng có cửa màu cam mang tên “công thức cân bằng”, đưa khách đi dạo trong một không gian hoang dã, giữa các bức tường bằng gỗ, dưới sàn là sỏi. Khách có thể nhặt sỏi sưu tầm, viết lên tường và nghe tiếng chim hót.

Cuối chương trình, khách được phát một gói thuốc mang tên “comucaine” được gói trong một hộp màu trắng. Thực ra phía trong chỉ là một tờ rơi hướng dẫn và tóm lược các phương pháp giảm stress do tiếp nhận quá nhiều thông tin. Đối với những ai thực sự bị tin tức lôi kéo, viện bảo tàng còn đề nghị truy cập trang web trên Facebook www.facebook.com/svanbelkom

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục