Bệnh viện quá tải, thủ tục khám chữa bệnh còn phiền hà, trong khi đó chỉ cần một cú “click” chuột là đã dễ dàng tìm được hàng trăm ngàn phương pháp, lời khuyên và hướng dẫn chữa trị mọi bệnh tật... đầy trên mạng. Thực tế này đã khiến nhiều người khi ốm đau hoặc có người thân mắc bệnh đã không tới cơ sở y tế mà tự chữa trị theo những hướng dẫn trên Internet. Tuy nhiên, kết quả điều trị từ các “bác sĩ mạng” đã khiến không ít người phải trả giá…
Bệnh nào cũng chữa
Không quá khó khăn khi lên trên mạng để tìm hiểu về phương pháp phòng ngừa, chữa trị một căn bệnh nào đó, cho dù đó là bệnh nan y nguy hiểm. Chỉ một cú click chuột trong Google về “điều trị hẹp van tim” đã cho tới gần 750.000 kết quả trong vòng chưa đầy 0,3 giây, hay với “thuốc chữa ung thư đại tràng” có tới 696.000 kết quả. Không chỉ vậy, trên các trang mạng xã hội còn có hàng trăm ngàn, thậm chí tới hàng triệu lời chào mời, quảng cáo về biệt dược, thực phẩm chức năng, thuốc điều trị đến khám chữa bệnh lưu động.
Tại một trang web chuyên về mua bán, chúng tôi gặp rất nhiều lời rao vặt với nội dung như: Một nhóm bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nhận chăm sóc bệnh nhân tại nhà với các dịch vụ như tư vấn chữa bệnh, cung cấp thuốc đặc trị, tiêm, truyền tĩnh mạch, đặt xông, hút đờm... Hay một trang web khác đưa ra quảng cáo khiến không ít người phải chú ý như: Ung thư chuyện nhỏ, đánh bại mọi u, bướu bằng các phương pháp chữa trị đơn giản, kết hợp với các loại thuốc đặc hiệu, bí truyền...
Trẻ nhỏ khi ốm đau thường có các triệu chứng bệnh giống nhau nên cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện, không được tự ý chữa trị.
Điều này cho thấy hiện nay các phương pháp chữa bệnh, loại thuốc hay dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe đang được thông tin tràn ngập trên các trang mạng xã hội và là mối quan tâm rất lớn của cộng đồng. Thực tế này giúp người dân, nhất là những người không may bệnh tật có thêm nhiều cơ hội tham khảo để chữa trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, mức độ chính xác và tính an toàn của thông tin từ các “bác sĩ” trên Internet đang là vấn đề rất đáng báo động và lo ngại.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, qua kết quả nghiên cứu trên 19 website thường xuyên đưa những thông tin về sức khỏe thì có đến 10 website đưa thông tin sai nghiêm trọng, trong 9 website còn lại chỉ có 1 trang đáng tin cậy, 8 trang kia… lúc đúng lúc sai.
Tiền mất, tật mang
Trong khi đó, nhiều bác sĩ tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, K Trung ương, Nhi Trung ương... thẳng thắn cho biết, nơi đây thường xuyên phải tiếp nhận không ít ca bệnh khó được đưa tới trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch đến tính mạng chỉ vì quá tin vào “bác sĩ” trên mạng.
Tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, tiếp xúc với chúng tôi, chị Lê Thị T. (ở phố Kim Mã, Hà Nội) không giấu nổi sự ân hận vì suýt nữa hại chết cậu con trai (4 tuổi). Con trai chị sau khi đi học mẫu giáo về thì bị sốt và húng hắng ho. Cứ nghĩ con bị cảm lạnh thông thường, chị T. không đưa con tới bệnh viện mà lên mạng tìm hiểu về các loại thuốc và cách chữa cảm lạnh.
Sau đó, chị ra hiệu thuốc gần nhà mua vài vỉ kháng sinh, hạ sốt và thuốc giảm ho, long đờm về cho con uống. Tuy nhiên sau 3 ngày, con trai của chị T. lại sốt cao hơn, ho nặng tiếng hơn, thỉnh thoảng lại khó thở... Lúc này, chị T. mới chịu đưa con tới bệnh viện cấp cứu và được các bác sĩ cho biết cậu bé đã bị viêm phổi từ biến chứng của viêm hô hấp cấp do dùng thuốc không đúng loại.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, nhiều bậc làm cha mẹ tự ý cho trẻ ốm uống các loại thuốc - nhất là kháng sinh, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội là vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây tốn kém tiền bạc, công sức mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Bởi lẽ, với trẻ em, sức đề kháng còn kém, nhiều biểu hiện bệnh không rõ ràng khiến dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau, thậm chí đến bác sĩ còn khó khăn khi phân biệt, nên đối với các bà mẹ không có chuyên môn về y khoa sẽ rất dễ nhầm lẫn và nếu tự ý chữa trị cho trẻ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trước hiện tượng trên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng việc tìm hiểu tra cứu các thông tin trên mạng liên quan đến bệnh tật và sức khỏe là cần thiết và hữu ích nhưng không phải tất cả thông tin trên Internet về y khoa, sức khỏe đều có thể tin cậy, vì nhiều thông tin chỉ mang tính kinh nghiệm và truyền miệng. Vì thế chỉ nên lên mạng tìm hiểu thông tin để tham khảo và có thể là nhằm định hướng mình về việc phòng ngừa và điều trị như tới bệnh viện nào, khoa nào, chứ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc sử dụng khi chưa tới bệnh viện khám và có chỉ dẫn của thầy thuốc.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo nên tìm hiểu các trang mạng chính thống được kiểm soát thông tin cẩn thận về sức khỏe như của Bộ Y tế, sở y tế, các bệnh viện, viện nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp cũng chỉ coi đó là nguồn tham khảo chứ không phải chỉ dẫn của thầy thuốc vì cùng một loại bệnh ở mỗi cơ thể sẽ khác nhau nên việc sử dụng thuốc, cách điều trị cũng không thể giống nhau nếu như không có sự thăm khám, chẩn đoán thực tế của bác sĩ.
TRUNG KIÊN