
Hôm qua (10-3), Bộ VH-TT đã chủ trì cuộc làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) để lấy ý kiến lần cuối cùng cho Dự thảo lần thứ 7 Thông tư liên bộ về Quản lý trò chơi trực tuyến.

Xem ra vấn đề tài sản ảo trong thế giới mạng còn rất lâu nữa mới có thể ngã ngũ...
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT Đỗ Quý Doãn, liên quan đến vấn đề tài sản trong game online, trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ VH-TT đã xin ý kiến của Bộ Thương mại, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp về vấn đề này.
Ý kiến chung của của các bộ là vấn đề tài sản ảo hiện nay chưa được luật pháp Việt Nam thừa nhận, vì vậy, không thể có sự điều chỉnh hay quy định cụ thể được.
Nói cách khác, tài sản ảo trong game online ở thời điểm này chưa được pháp luật Việt Nam bảo hộ, vì vậy với một Thông tư liên bộ mang tính “quản lý” về hoạt động game online, cơ quan soạn thảo không đủ thẩm quyền để thừa nhận hay đưa ra khái niệm “bảo hộ” như nhiều người trông đợi.
Tổng Giám đốc Công ty phần mềm và truyền thông (VASC) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Vấn đề tài sản ảo không cần điều chỉnh trong thông tư, vì hiện nay chưa có khái niệm cụ thể, chính xác về tài sản ảo. Cùng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc kỹ thuật của Công ty VinaGame, bày tỏ: Trò chơi trực tuyến là giải trí, tài sản ảo chỉ mang tính chất giải trí chứ không phải là kinh doanh, vì vậy không nên đặt ra vấn đề tài sản ảo trong Thông tư này.
Mặc dù vậy, hầu hết ý kiến của các bộ liên quan cũng như chính các doanh nghiệp và lãnh đạo Bộ VH-TT đều thừa nhận, việc mua bán các loại vật dụng trong game online bằng tiền thật hiện nay đã và đang diễn ra, vì vậy, mặc dù chưa thể đưa ra việc bảo hộ, nhưng cần có những điều chỉnh để có thể quản lý và “lành mạnh hóa” vấn đề này.
Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng: “Trò chơi trực tuyến game online đã được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động cho nhà cung cấp khi có đủ điều kiện. Trong trò chơi trực tuyến, hiện tượng mua bán các sản phẩm ảo (quần áo, đồ vật có giá trị...) bằng tiền thật đã phát sinh và tồn tại trong thực tế… Tránh việc lợi dụng trò chơi trực tuyến để tham gia các hoạt động cờ bạc, trong Thông tư cần có những quy định về giao dịch tài sản ảo cũng như các điều kiện ràng buộc cần thiết để nhà nước có thể kiểm soát được các hoạt động này”.
Phát biểu với báo chí sau buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng: Không phải Bộ VH-TT phủ nhận tài sản ảo, nhưng để thừa nhận điều đó, cần có những văn bản pháp luật cao hơn. Trước ý kiến của các bộ, các doanh nghiệp và báo chí, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định: sẽ bổ sung vấn đề tài sản ảo vào Thông tư, nhưng không phải là việc đứng ra bảo hộ vấn đề này, mà chỉ nêu: các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online phải có biện pháp cụ thể bảo vệ quyền lợi của người chơi, nhất là đối với việc giao dịch tài sản ảo.
Liên quan đến việc ban hành thông tư, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết từ đây đến hết tuần sau, Ban soạn thảo sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của tất cả các doanh nghiệp, hoặc bất ai quan tâm vấn đề game online. Dự kiến, thông tư sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện và ban hành trong tháng 3 này.
TRẦN LƯU