Chưa giải được bài toán về lượng khí thải

Chưa giải được bài toán về lượng khí thải

Nghị định thư Kyoto chính thức có hiệu lực từ ngày 16-2-2005. Mặc dù có sự phê chuẩn của 141 nước nhưng Nghị định thư Kyoto chỉ áp dụng luật định đối với 35 nước công nghiệp phát triển và họ buộc sẽ phải cắt giảm lượng khí thải xuống còn 5,2% vào năm 2012.

Tuy nhiên, mỗi nước sẽ đặt ra mục tiêu cắt giảm tùy theo mức độ ô nhiễm riêng của từng nước. Ví dụ, trong 7 năm tới, Nhật Bản sẽ cắt giảm lượng khí thải xuống còn 6% so với mức của năm 1990 và Liên minh châu Âu cam kết sẽ giảm 8% lượng khí thải.

Chưa giải được bài toán về lượng khí thải ảnh 1

Khí thải là tác nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng theo số liệu của Liên hiệp quốc, vào năm 2002, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã thải ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính cao hơn 40,5% so với mức thải năm 1990, Iceland 28,9%, Hy Lạp 26%.

Canada là một trong những nước đầu tiên tham gia phê chuẩn Nghị định thư nhưng so với thời điểm năm 1990 tới nay, lượng khí thải của nước này đã tăng thêm 20%. Tương tự, Mỹ là 13,1% và Australia 22%…

Theo các nhà bảo vệ môi trường, Nghị định thư Kyoto có thể chưa giải được bài toán về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính một khi trong số 141 nước tham gia phê chuẩn đã không có Mỹ – quốc gia gây ô nhiễm nhất vì họ đã rút khỏi Nghị định thư này vào cuối năm 2001, kể cả Australia.

Lý do Chính phủ Mỹ đưa ra để biện minh cho việc tẩy chay Nghị định thư Kyoto là họ bị đối xử không công bằng trong việc chia sẻ trách nhiệm giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo lý lẽ từ phía Mỹ, thì những nước đang phát triển nhanh và có đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… lẽ ra phải chịu sự cắt giảm tương đương các nước công nghiệp ngay từ bây giờ chứ không cần chờ đến thời điểm năm 2012.

Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi kết quả nghiên cứu về hiện tượng Trái đất đang nóng dần lên và cho rằng thi hành Nghị định thư Kyoto sẽ rất tốn kém cho siêu cường này.

Song, ngay cả khi được thực thi một cách đầy đủ, Nghị định thư Kyoto sẽ chỉ giảm mức tăng nhiệt độ Trái đất khoảng 0,10C vào năm 2100. Tỷ lệ này xem ra quá nhỏ so với mức dự báo của ngành chức năng về mức tăng nhiệt độ toàn cầu đến thời điểm đó là 1,4 - 5,80C…

Nghị định thư Kyoto sẽ kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2012 và nhiều nước ủng hộ đang mong đợi một bước tiến xa hơn của Nghị định thư ở giai đoạn kế tiếp. Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, sau năm 2012, Nghị định thư Kyoto sẽ mở rộng phạm vi với một số lĩnh vực khác, chẳng hạn như trong ngành vận tải và hàng không… 

ĐỨC THỦY

Tin cùng chuyên mục