Tại tọa đàm, vấn đề điểm nghẽn cung cầu nhân lực được quan tâm nhất. Theo ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, quy mô đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT) mỗi năm không nhỏ, chỉ riêng Học viện Bưu chính Viễn thông (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) mỗi năm tuyển sinh trên 3.000 sinh viên, còn rất nhiều trường khác đào tạo CNTT nhưng doanh nghiệp vẫn kêu thiếu, các doanh nghiệp CNTT giành giật nhân lực, thậm chí dẫn đến “phá giá” tuyển dụng.
Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhanh, có nhu cầu nhân lực cao. Theo khảo sát sơ bộ, từ nay đến năm 2025 cần 10.000 cán bộ quản lý trong nông nghiệp; cần 80.000 cán bộ hợp tác xã nông nghiệp; 10 vạn nông dân có trình độ đào tạo; 6 vạn người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh các vật tư nông nghiệp; Cán bộ nghiên cứu cần 1.000 tiến sĩ, 8000 thạc sĩ trong toàn ngành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 38 trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo bồi dưỡng và nhiều viện. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển sinh gặp khó khăn…
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là các trường phải đổi mới tư duy để chủ động tiếp cận thị trường. Cùng với đó là sự hỗ trợ của nhà nước về dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; đầu tư có trọng tâm trọng điểm đối với những ngành nghề xã hội cần; có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi họ bắt tay với cơ sở đào tạo… Nhiều ý kiến từ tọa đàm cũng cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay của các cơ sở đào tạo là thiếu những liên kết cơ bản với nơi sử dụng, nguyên nhân là do thiếu thông tin, thiếu động lực kết nối và thiếu năng lực kết nối. Tính hội nhập và sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 cũng chưa đáp ứng được. Điều đó đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi trong cách dạy và cách học; thay đổi trong cách kiểm định, quản lý theo cách mới để tăng cường giám sát; thay đổi cách tổ chức trong nhà trường.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ có diễn đàn lớn về phát triển nguồn nhân lực, qua đó kết nối đào tạo với sử dụng, khắc phục điểm nghẽn cung cầu đang cản trở việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Diễn đàn đặt mục tiêu giải quyết được những vấn đề đặt ra về bài toán cung cầu, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tìm thấy tiếng nói chung để gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, người học tìm thấy cơ hội học bổng, cơ hội đầu ra cho tương lai. Trước khi diễn đàn diễn ra, bộ sẽ có báo cáo đánh giá chiến lược phát triển GD-ĐT 10 năm (2011-2020) và giải pháp 10 năm tới, nằm trong tổng thể chiến lược quốc gia.