Cuộc sống càng được tiếng văn minh, càng đầy đủ điều kiện vật chất thì dường như lại càng thêm nhiều điều nghịch lý. Nếu bệnh trầm uất hầu như xa lạ trong thời chiến tranh gian khổ thì căn bệnh này hiện nay đang là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng khi đã no cơm, ấm áo! Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ắt hẳn có lý do chính đáng khi xếp trầm cảm vào hàng đầu của nhóm bệnh đáng lo. Nếu tưởng đó là chuyện bên Tây thì sai. Trầm uất đang phát tán với vận tốc đáng ngại trên xứ mình do gắn liền mật thiết với tình trạng lao tâm, lao lực của gia chủ.
Có một điều chắc chắn: Trầm cảm không là chuyện ngày một ngày hai. Bệnh đã âm thầm nhen nhúm trước đó rất lâu và tùy theo sức kháng bệnh của mỗi đối tượng cá biệt mà bộc phát sớm hay muộn. Nhờ mô hình nghiên cứu với phương tiện đo đạc cao cấp, chuyên gia khoa thần kinh đã phát hiện dấu hiệu thiểu năng tuần hoàn não, cũng như thương tổn ở nhiều vùng trên não bộ của người trầm uất, suy nhược thể lực và thần kinh vì công việc, vì mâu thuẫn trong gia đình... khiến dẫn truyền thần kinh bị nhiễu loạn.
Theo kết quả một công trình nghiên cứu chuyên sâu ở CHLB Đức, trong huyết thanh của người bệnh có một số kháng thể có tác dụng phong bế serotonin, nội tiết tố cần thiết cho giấc ngủ yên bình và cách suy nghĩ lạc quan! Chính vì chúng mà serotonin mất hoạt tính. Chính vì thiếu serotonin mà nhiều rối loạn chức năng của hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, sinh dục... hè nhau gõ cửa nạn nhân. Người bệnh trầm cảm vì thế dễ cao huyết áp, hụt hơi, biếng ăn, đàn ông liệt dương, đàn bà lãnh cảm!
Thêm một chuyện khác: Mệt mỏi kéo dài là đòn bẩy của trầm uất. Càng buồn, sức đề kháng càng thui chột. Bệnh khác khi đó không mời cũng đến. Trầm uất vì thế cần được phát hiện càng sớm càng tốt và điều trị rốt ráo càng hay để chuyện nhỏ đừng xé ra to một cách oan uổng. Không quá khó, nếu thầy thuốc khi chữa bệnh đừng tập trung vào chuyện trước mắt theo yêu cầu của “khách hàng” để rồi quên tổng trạng và tâm trạng của người bệnh. Đừng quên trạng thái tâm thần của người bệnh là một trong các tiêu chí thực tiễn để đánh giá hiệu quả của liệu pháp. Chữa bệnh nào cũng thế, theo kiểu nào cũng vậy, nếu người bệnh càng lúc càng buồn hơn, thì đó là dấu hiệu cho thấy nên liệu cách mà đổi thầy, thay thuốc.
Theo Nội Kinh, y thư gối đầu từ nhiều ngàn năm của thầy thuốc ngành y học cổ truyền, “thầy thuốc xuất sắc là thầy thuốc chữa bệnh khi bệnh chưa phát”. Dễ gì được thế trong cuộc sống căng thẳng hiện nay, khi thầy thuốc quá tải, khi bệnh nhân tất bật với chén cơm manh áo. Dù vậy, chủ động chữa bệnh khi mới chớm buồn chẳng khác nào biện pháp phòng bệnh. Muốn vậy người bệnh cần đủ can đảm để thành thật với... chính mình!
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG