Chữa nóng thành lạnh

Có lẽ không ai dám tự tin rằng trong gia đình mình không xảy ra những va chạm và cả những cơn nóng giận. Ai cũng biết “cả giận mất khôn”, nhưng để kiềm chế cơn giận, mỗi người phải có bí quyết riêng.

Giận thì giận...

Khi đặt câu hỏi: “Có bao giờ bạn trút giận với người thân là vợ (chồng) hay con cái?”, hầu hết câu trả lời từ những người đã có gia đình, con cái đều là có. “Từ khi xây dựng gia đình tới giờ đã 12 năm, đã từng có lúc tôi nổi giận với chồng và con. Những lúc đó, có khi tui lớn tiếng tranh cãi với chồng hoặc quát con. Đôi khi cũng dọa đánh đòn con”, chị Lưu Phương (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ. Chị Mai Phương (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cũng cho biết: “Ông bà ta bảo “giận cá chém thớt”, mình nghĩ là có. Nhiều lúc, không kiểm soát được cơn giận, có thể mình sẽ to tiếng”.

Những bất hòa trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến từng thành viên. Ảnh: Rawpixel

Những bất hòa trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến từng thành viên. Ảnh: Rawpixel

Ngay cả với bà mẹ “siêu nhân” như chị Ngọc Yến (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) nhiều lúc cũng không thể không nổi giận. Chị kể: “Nhà bao việc, cũng không phải thần thánh quá mà không có lúc tức giận. Đôi khi cũng lớn tiếng la mắng con, hay nhắn tin trút giận lên ông xã”.

Nhìn vào lịch trình mỗi ngày của chị Ngọc Yến mới thấy chia sẻ của chị thấm thía. Mỗi ngày của chị bắt đầu lúc 5 giờ 30 sáng và nhiều khi kết thúc vào 1 giờ sáng hôm sau. Điệp khúc: chuẩn bị đồ ăn sáng, đưa đón con đi học, chuẩn bị đồ ăn tối, đưa con đi học thêm, dạy con học cứ đều như vắt tranh. Con đi ngủ, nhiều khi chị vẫn tất bật đến khuya để hoàn thành bài vở (đặc thù công việc nghề báo), hoặc tranh thủ dọn nhà, chuẩn bị cho ngày hôm sau. Chồng chị vốn dân xây dựng, lại thường xuyên phải đi công trình xa, chỉ đôi khi quá bận chị mới nhờ người thân, hay thuê người đưa đón con. Với guồng quay liên tục ấy, chị thừa nhận thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, đặc biệt khi các cậu con trai khá tinh nghịch, không phải lúc nào cũng nghe lời.

Cũng một nách hai con khi chồng thường phải đi làm xa, dù có hai bên nội ngoại đỡ đần, nhưng chị Mai Phương cũng luôn đầu bù tóc rối vì con. Những khi bình thường không sao, nhưng con ốm, quấy khóc, hay đôi khi đòi hỏi, mè nheo, cộng thêm áp lực công việc khiến cơn giận có thể ập đến bất cứ lúc nào. Riêng đối với chị Lưu Phương, dù là người rất lý tính, không mang chuyện công việc về nhà, nhưng những vấn đề sinh hoạt trong nhà như chia sẻ việc nhà, dọn dẹp hoặc sắp xếp lịch sinh hoạt ăn uống, học hành, vui chơi của con cái… cũng là lý do để cơn giận bộc phát.

Thương lại càng thương

Tâm lý chung của hầu hết các ông bố, bà mẹ là sau khi giận, nếu có lỡ buông lời nặng nhẹ với nhau, với con cái, hay đôi khi cho con ăn đòn roi, đều là hối hận. Trong không ít trường hợp sẽ cảm thấy ăn năn và tự trách, tự vấn bản thân tại sao lại làm thế. Những lý do để nóng giận như trên không phải là không chính đáng. Với vô vàn áp lực cuộc sống từ nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền bên ngoài kia và cả những nguyên nhân nội tại trong gia đình, làm thế nào để dung hòa, kiềm chế cơn giận, nói thì rất dễ, còn làm chưa bao giờ dễ dàng.

Nhiều khi chính bản thân người trong cuộc đôi khi lại không biết mình đang giận ở mức độ nào. Đó là lý do chị Mai Phương và Lưu Phương chọn cách “phát cảnh báo” đối với người thân. Theo chị Mai Phương: “Tôi có một thói quen, khi biết mình đang không kiểm soát được cơn giận, sẽ nói với con là mình đang rất bực và mình cần thời gian để bình tĩnh. Tự nhiên, nói ra được điều đó thì chồng hoặc con sẽ hiểu và né ra”. Còn đối với chị Lưu Phương: “Kiềm chế tức giận ở nhà, tôi luôn có các mức cảnh báo tăng dần với các thành viên trong nhà. Nhắc nhở, nghiêm giọng, lớn tiếng để mọi người hiểu được ý của mình. Đôi khi muốn nghỉ ngơi, tôi cũng nói trước là mình mệt hoặc bận công việc. Tôi sẽ để ba con tự lo và để yên cho mình tập trung”.

Lý tưởng nhất trong cuộc sống là kiềm chế được cơn giận. Nhưng nếu lỡ có xảy ra, làm thế nào để ứng xử với nó và sau này là bài học rút ra cho bản thân, có lẽ cũng quan trọng không kém. Chị Mai Phương cho biết, với con cái, chị cố gắng giải quyết vấn đề tâm lý bản thân để khi gần con phải là những năng lượng sạch. Nếu đang bất ổn, chị chọn tách ra, nhờ ông bà phụ giúp để không làm tổn hại đến con.

“Cơm sôi bớt lửa” là điều chị Yến luôn tâm niệm. Theo chị, để giữ hòa khí trong gia đình, quan trọng nhất là chuyện sẻ chia việc nhà. Những lúc ông xã giãn việc, chị nói chồng phụ đưa đón con đi học, hay làm giúp việc nhà, vợ nấu cơm rửa chén, chồng sẽ quét nhà, phơi đồ. Đặc biệt, nếu ai đó đang vào cơn tức giận, người còn lại sẽ im lặng, có thể chọn đi vào phòng, đi ra ngoài để khi dịu lại sẽ cùng ngồi xuống nói chuyện với nhau. Chị cũng luôn dành thời gian trước khi đi ngủ để tỉ tê nếu con mắc lỗi, xin lỗi nếu lỡ đánh mắng con và tâm sự chuyện công việc của mình, vì chị biết con đều hiểu hết.

Nhiều bậc cha mẹ luôn nhìn con để soi mình. Đôi khi mình tức giận, to tiếng, gằn giọng..., con sẽ nhìn vào đó và cư xử hệt như thế. Do đó, nếu muốn con cái không hành động như cách cha mẹ đã làm, phải tự biết kiềm chế rất nhiều.

Tin cùng chuyên mục