Cần phải làm gì để có thể đạt được những bước tiến triển trong công cuộc tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế; hiện thực hóa tinh thần cải cách mạnh mẽ được gửi gắm trong thông điệp đầu năm của người đứng đầu Chính phủ? Đó là chủ đề cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo SGGP với TS Nguyễn Đình Cung (ảnh), quyền Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư).
* Phóng viên: Đánh giá của ông về những thành quả đã đạt được của tiến trình cải cách kinh tế trong thời gian vừa qua?
* Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Thẳng thắn mà nói thì các thị trường chính yếu như thị trường lao động, thị trường vốn hay đất đai, tài nguyên vừa qua chưa có nhân tố gì mới khả dĩ kích hoạt thị trường. Những cải cách theo hướng tạo ra dư địa cho thị trường vận hành tốt hơn gần như chưa thấy rõ. Trong lúc đó, những can thiệp hành chính gần như vẫn giữ nguyên, vì vai trò chức năng của nhà nước chưa thay đổi, công cụ quản lý cũng chưa thay đổi.
Phải nhắc lại một chút khái niệm tái cơ cấu kinh tế được định nghĩa rất rõ là phân bố lại nguồn lực trên phạm vi quốc gia theo cơ chế thị trường. Điểm nào vướng mắc khiến thị trường chưa vận hành được suôn sẻ chính là chỗ nhà nước phải phát huy vai trò khai thông, tạo điều kiện, những chỗ nào nhà nước can thiệp làm cho thị trường méo mó thì phải bỏ hoặc thay đổi sự can thiệp đó nhằm đảm bảo cạnh tranh trên thị trường có trật tự.
Như thế thì chức năng của các bộ cũng phải thay đổi nhiều lắm. Chỗ nào buộc phải giữ độc quyền thì phải kiểm soát chặt chẽ, chỗ nào tự ý độc quyền thì phải xóa bỏ. Có như vậy thì thị trường mới vận hành được. Nhưng cũng chính khi đó thị trường sẽ giúp giải quyết các vấn đề xã hội tốt nhất; tạo ra cơ hội cho mọi người được bình đẳng tiếp cận cơ hội kinh doanh. Không nên cho rằng có một sự đối lập giữa thị trường và quản lý nhà nước, kiểu như nhà nước phải đóng vai trò nén, “ép” thị trường... Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu then chốt này: phải làm thế nào để thị trường thực sự nổi lên được, nói cách khác là phải tôn trọng những quy luật khách quan của thị trường. Tư duy này đã được Thủ tướng xác định, nhưng không phải đã được quán triệt trong toàn bộ hệ thống khung khổ pháp lý cũng như cách ứng xử của cả hệ thống chính trị.
Tuy thế, tôi vẫn chưa nhìn thấy áp lực thực sự đối với các bộ ngành - những cơ quan có trách nhiệm đề ra chính sách và hỗ trợ xử lý các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu. Nếu các bộ vẫn có thể ngồi yên được thì tiến trình này chưa thể chuyển động mạnh mẽ được.
* Còn khu vực ngân hàng, nợ xấu thì sao, thưa ông?
* Ở đây có 3 lĩnh vực quan trọng cần xử lý: đó là các ngân hàng yếu kém, nợ xấu, sở hữu chéo. Tất cả đều có quan hệ hữu cơ với nhau. Không xử lý được tình trạng sở hữu chéo thì không có thị trường thực sự. Mà rõ ràng chúng ta chưa đạt được yêu cầu bỏ sở hữu chéo. Nợ xấu thì bắt đầu được mua, nhưng theo tôi thì cái chính không phải là VAMC mua được bao nhiêu hoặc ngân hàng giảm được bao nhiêu nợ xấu, mà là thực sự bán được bao nhiêu; loại được bao nhiêu ra khỏi nền kinh tế. Mới chỉ “ôm” nợ xấu về một mối thôi thì chưa đủ, vì mới là làm sạch bản cân đối, nôm na là chuyển nợ xấu từ sổ này sang sổ kia mà thôi. Kinh nghiệm của một số nước, như Indonesia, là phải dũng cảm chịu đau, các “ông chủ” phải chấp nhận mất sạch thậm chí âm vốn, có khi còn phải lấy tài sản của gia đình dòng họ ra bù đắp. Rồi từ đó mới đứng lên được.
* Có thể chờ đợi những kết quả gì từ tiến trình tái cơ cấu kinh tế trong năm 2014, thưa ông?
* Tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục làm tốt hơn nữa 3 lĩnh vực đã được xác định ưu tiên: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tài chính ngân hàng. Tôi mong muốn được chứng kiến những khống chế hành chính không tuân theo quy luật khách quan của thị trường được chính thức bãi bỏ; chẳng hạn như giới hạn trần lãi suất huy động.
Khung pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện - chúng ta có thể đã có rất nhiều về mặt số lượng các văn bản pháp quy, nhưng nội dung vẫn chưa phù hợp với quy luật thị trường, cần phải sửa đổi, bổ sung; trong đó có những đạo luật rất căn bản như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách… Tôi cũng hy vọng kỷ luật ngân sách được thắt chặt, giá vốn - bao gồm cả chi phí cơ hội - được tính toán đầy đủ, chính xác, để những dự toán trở nên thực chất và mang tính ràng buộc cao; để nợ công không bị đội lên cao… Kỷ luật ngân sách chặt chẽ thì các cơ quan có liên quan lập tức sẽ phải nghĩ cách làm sao để chi tiêu cho hiệu quả nhất. Đó chính là nền tảng của thị trường thực sự.
ANH THƯ thực hiện