Chưa thống nhất quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự

Chiều 16-8, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (PTDS). Dự thảo gồm 7 chương, 75 điều, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10 tới đây.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội vấn đề có quy định hay không quy định tình trạng khẩn cấp về PTDS.

Phương án 1, phương án được cơ quan soạn thảo đề xuất, có quy định tình trạng khẩn cấp về PTDS.

Nêu nhiều ưu điểm của phương án này, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương nhận định, việc quy định tình trạng khẩn cấp về PTDS góp phần thiết lập đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề phát sinh của thực tiễn; bổ khuyết, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện nay.

Bên cạnh đó, tình trạng khẩn cấp về PTDS là mức độ cao nhất của thảm họa, sự cố về PTDS nên việc quy định các biện pháp mang tính chất dân sự trong tình trạng khẩn cấp về PTDS (không quy định các biện pháp về quốc phòng, an ninh) tại Luật PTDS là hết sức cần thiết, tạo cơ sở luật định quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp trong tình huống xảy ra thảm họa, sự cố; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về PTDS, đặc biệt là các biện pháp hợp hiến, hợp pháp, áp dụng được ngay một cách thuận lợi khi xảy ra thảm họa, sự cố ở các cấp độ, trạng thái khác nhau.

“Thực tế trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 cho thấy việc áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh chưa đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh như giãn cách xã hội, cơ chế cách ly tập trung, xây dựng cơ sở y tế, chính sách đặc thù phục hồi kinh tế, an sinh sau thảm họa, sự cố”, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương dẫn chứng.

Ở phương án 2, không quy định tình trạng khẩn cấp về PTDS. Theo đó, khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về PTDS có thể áp dụng quy định hiện hành ở Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Dân quân tự vệ năm 2019…

Tuy nhiên, việc không quy định tình trạng khẩn cấp về PTDS có nhược điểm là chưa khắc phục được khoảng trống của hệ thống pháp luật, chưa giải quyết được những vướng mắc và yêu cầu từ thực tiễn. Đối với 13 loại thảm họa, sự cố quy định tại Điều 5 dự thảo luật này thì một phần được thể hiện tại các luật chuyên ngành, nhưng các luật đó chưa bao quát đầy đủ về tình trạng khẩn cấp và chưa có điều chỉnh hợp lý về tình trạng khẩn cấp.

Tin cùng chuyên mục