Cùng với trào lưu hội nhập hiện nay, nhiều phụ huynh chọn giải pháp du học nhằm tìm kiếm môi trường cho con em tiếp cận kiến thức, khoa học hiện đại, thích nghi với nền văn hóa mới và rèn kỹ năng sống theo phong cách công dân toàn cầu. Thế nhưng, du học có phải là liều thuốc thần “biến không thành có”? Làm thế nào để những khoản đầu tư tài chính cho các em học sinh du học đem lại hiệu quả?
Du học bằng mọi giá?
Không ít phụ huynh và học sinh lầm tưởng rằng du học sẽ là chìa khóa giải thoát cho những khó khăn hiện tại. Nhiều phụ huynh có niềm tin rằng môi trường du học sẽ giúp con em họ lột xác, từ lười học trở nên chăm chỉ, từ nhút nhát trở nên tự tin hơn. Tuy nhiên, nếu cứ coi du học như một liều thuốc thần “biến không thành có” thì quả là mạo hiểm, nhất là khi cho con du học, phụ huynh phải cố gắng rất nhiều về mặt tài chính.
Nhiều trường hợp sau khi đổi môi trường học tập tại nước ngoài, học sinh thật sự trở nên thích thú với việc học và biết quý trọng tình cảm gia đình, thấu hiểu sự hy sinh của cha mẹ, đồng thời phát huy được những thế mạnh riêng của bản thân trong việc học.
Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp học sinh tiếp tục sa đà ăn chơi, tiêu phí tiền bạc, kết quả là ngừng học quay về nước, không bằng cấp, gây thất vọng cho gia đình. Lúc đó việc học hành trở nên dở dang, nếu có theo học tiếp chương trình ở Việt Nam cũng không có động lực.
Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, du học có thành công hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: Năng lực học tập, tư chất của học sinh và khả năng tài chính của gia đình. Năng lực học tập gồm khả năng tiếp thu và học tốt các môn khoa học và xã hội, đặc biệt là toán và tiếng Anh. Tư chất của học sinh gồm ý thức, kỹ năng sống và khả năng học tập độc lập, tự chịu trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp xã hội và làm việc trong một tập thể, khả năng chịu áp lực và tự động viên, mối liên kết gắn bó với gia đình và bạn bè… Khả năng tài chính là tính thanh khoản của nguồn tài chính trong ngắn hạn lẫn dài hạn của gia đình.
Khi cho con đi du học, phụ huynh phải cân nhắc về các yếu tố trên. Đứng về phía gia đình, yếu tố thứ ba là rất quan trọng, trong khi đó, về phía học sinh, nếu thiếu cả hai yếu tố đầu thì khả năng thành công là rất thấp.
Ngoài ra, du học là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư học tập, tài chính và rèn luyện kỹ năng sống cho con em. Không nên đi du học theo phong trào, hoặc thấy bạn bè, thân nhân cho con em đi học ở đâu thì mình gửi đi ở đó, vì mỗi gia đình và mỗi cá nhân học sinh đều có đặc điểm, hoàn cảnh riêng.
Chuẩn bị gì để du học thành công?
Theo kinh nghiệm của một số du hoc sinh Trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (APC), để thành công trong môi trường học tập tại nước ngoài, ít nhất học sinh phải có 2 yếu tố: chăm chỉ và giỏi ngoại ngữ. Khi du học, sự thay đổi trong môi trường học tập là điều khiến du học sinh phải thích nghi. Nếu không có sự chuẩn bị, thời gian đầu có thể sẽ bị choáng.
Sinh viên ở nước ngoài rất chủ động trong học tập, nhiệt tình đóng góp ý kiến trong giờ học. Họ hỏi ngay giảng viên nếu không hiểu. Giảng viên cũng khuyến khích sinh viên tham gia bằng cách cộng điểm cho những người nhiệt tình hoạt động trong giờ học. Bài tập về nhà, các bài thuyết trình được tính vào điểm cuối kỳ.
Tỷ lệ điểm là do giảng viên quyết định, nhưng thường điểm cuối kỳ chỉ chiếm không quá 50%, còn lại dành cho các hoạt động trong suốt quá trình học. Vì thế sinh viên buộc phải chăm chỉ học, chứ không thể “nước đến chân mới nhảy” như nhiều trường ở Việt Nam.
Ngoại ngữ là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa du học. Ngoại ngữ tốt sẽ giúp du học sinh nhiều trong việc hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt hoàn toàn mới. Trước khi du học, hầu như ai cũng học thêm ngoại ngữ, tuy nhiên không ít người học ngoại ngữ theo kiểu hàn lâm và ít chú ý đến những tình huống giao tiếp. Vì thế, khi mới sang nước ngoài, nhiều du học sinh cảm thấy sốc khi nghe người dân bản địa nói. Họ nói nhanh, nói giọng mũi, sử dụng nhiều cụm từ lạ. Do đó để rút ngắn thời gian làm quen, cách tốt nhất là chuẩn bị ngay từ trong nước.
Để chuẩn bị tốt cho con em đi du học, phụ huynh cần giúp các em nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tăng cường vốn ngoại ngữ, phương pháp học để thích nghi được môi trường học tập quốc tế sau này.
Theo Phòng Du học APC, hành trang du học thật sự đầy đủ khi du học sinh có vốn tiếng Anh học thuật tốt cùng với phương pháp học tập hiện đại. Học sinh nên đăng ký tham gia một khóa học tiếng Anh học thuật tăng cường trước khi tính đến luyện thi IELTS. Đây là điều kiện tốt để học sinh củng cố kiến thức tiếng Anh nền tảng, có hệ thống cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS, TOEFL...
Chương trình quốc tế ở APC
Xuất phát điểm của học sinh khi bước chân vào học tại các trường quốc tế ở Việt Nam là trình độ ngoại ngữ hạn chế, thiếu chủ động trong học tập, thiếu tự tin và chưa được trang bị kỹ năng cần thiết. Đó là những kỹ năng quan trọng mà ngay từ khi còn bé các học sinh nước ngoài đã được trang bị từ hoạt động của cộng đồng và nhà trường.
Chương trình quốc tế của APC được giảng dạy bằng tiếng Anh do 100% giảng viên nước ngoài đến từ Hoa kỳ, Anh, Australia, Canada... đảm nhiệm với thời lượng 80 tiết/tháng ở bậc trung học, 70 tiết/tháng ở bậc tiểu học.
Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình quốc tế tại APC là nâng cao trình độ tiếng Anh của học sinh ở cả 4 kỹ năng chính là nghe, nói, đọc, viết. Phương pháp học và thi ở APC rất đa dạng như viết luận, hội thảo, thuyết trình, đóng vai… chứ không chỉ tập trung rèn ngữ pháp và dịch thuật. Học sinh tập suy nghĩ trực tiếp bằng tiếng Anh chứ không giao tiếp theo lối chuyển ngữ.
Bên cạnh các giờ học tiếng Anh, chương trình quốc tế của APC còn dành một thời lượng lớn cho các môn học khác như Toán, Khoa học tự nhiên, Kinh doanh, Khoa học xã hội (học bằng tiếng Anh). Đây là cách tiếp cận khoa học, học sinh vừa được trau dồi tiếng Anh thực hành, vừa có thêm những kiến thức cập nhật bổ ích.
Đặc biệt nội dung các môn học này có tính thực tiễn cao, giúp học sinh không cảm thấy bỡ ngỡ với cách dạy và học luôn gắn liền với thực tiễn ở môi trường du học sau này. Khi học sinh đã đạt đến một trình độ tiếng Anh nhất định, APC sẽ tổ chức các lớp luyện thi chứng chỉ IELTS, TOEFL, SAT.
Các giáo viên nước ngoài của APC đến từ nhiều quốc gia đã đem đến cho các học sinh APC sự tiếp cận với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Các em không chỉ giao tiếp với các thầy cô nước ngoài trong các giờ học mà còn trong các hoạt động ngoại khóa, các giờ nghỉ. Những giao tiếp không chính thức như vậy luôn đem đến những điều mới mẻ về ngôn ngữ, văn hóa, vốn sống, làm dày thêm hành trang của các công dân toàn cầu tương lai.
Sau 6 năm hoạt động, với tiêu chí “APC - nơi đào tạo học sinh thành những công dân toàn cầu”, APC đã làm bệ phóng cho hàng trăm học sinh bước vào con đường du học. Và những thành công của các cựu học sinh APC như: Nguyễn Mạnh Quốc Dũng, Lê Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Xuân Trâm, Hoàng Lâm Đức… cho thấy những năm học ở APC đã thực sự chuẩn bị cho các học sinh hành trang vững vàng cho con đường du học.
ANH TRINH – NAM DŨNG