Gần đây, Sở Công thương TPHCM phối hợp với các sở ngành chức năng tổ chức nhiều chuyến đi thực tế tại các tỉnh để bàn bạc về khả năng cung ứng nguồn hàng, đồng thời giám sát việc chuẩn bị hàng hóa tại các doanh nghiệp (DN) cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Kết quả cho thấy, hàng hóa năm nay sẽ tiếp tục dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là công tác kết nối cung cầu còn rất nhiều hạn chế. Mấu chốt của vấn đề là giữa các bên vẫn tìm được tiếng nói chung về giá.
Cung ứng 50% - 70% sản lượng
Để thực hiện thành công chuỗi cung ứng, tạo nguồn hàng thực phẩm sạch phục vụ cho thị trường TPHCM nói chung và công tác bình ổn giá nói riêng, từ nhiều năm qua TPHCM đã đồng loạt triển khai các đề án, chương trình như chiến lược phát triển chăn nuôi phục vụ công tác bình ổn giá thực phẩm của TPHCM định hướng đến năm 2015; Đề án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Đề án xây dựng mô hình điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn thực phẩm; Phương án liên kết tạo vùng nguyên liệu trong chăn nuôi đến năm 2015…
Theo đó, TPHCM đã xác định các vùng trọng điểm liên kết, tạo vùng nguyên liệu, trên cơ sở thế mạnh của các địa phương trong sản xuất, cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm cho thị trường TP. Cụ thể, thịt gia súc được hợp tác với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh; thịt gia cầm từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh; trứng gia cầm từ Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp; rau củ quả từ Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang và TPHCM.
Tính toán của các tỉnh đang thực hiện việc liên kết với các DN của TPHCM cho thấy, lượng hàng cung ứng cho thị trường TPHCM hiện chiếm bình quân khoảng 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Riêng tại một số tỉnh thực hiện việc sản xuất và chăn nuôi chuyên ngành như Đồng Nai, Lâm Đồng, thì lượng hàng cung ứng cho TPHCM chiếm tới 70% tổng sản lượng toàn tỉnh. Bình quân mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 1.000 - 1.100 tấn/ngày (gồm cả sản phẩm đông lạnh nhập khẩu) và khoảng 3 - 3,5 triệu quả trứng gia cầm. Trong số đó, các sản phẩm nông nghiệp của TP chỉ cung ứng được khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ của TP, phần còn lại đều phải được cung ứng từ các tỉnh và nhập khẩu. Riêng lượng trứng gia cầm 100% đều nhập từ các tỉnh về TP tiêu thụ.
Đồng cảm, chia sẻ lợi nhuận
Kết quả đợt khảo sát thực tế về công tác chuẩn bị nguồn hàng tại nhiều tỉnh cho thấy, nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng vào thời điểm này và dịp Tết Nguyên đán sắp tới là rất dồi dào. Nhiều DN, HTX đã tăng tổng đàn, diện tích gieo trồng lên 50%-60% nhằm đáp ứng tốt nhất cho thị trường TP.
Tuy nhiên, đánh giá việc thực hiện liên kết giữa TPHCM và các tỉnh, hầu hết các DN đều cho rằng, đã có những thành công nhất định, song bên cạnh đó cũng còn rất nhiều hạn chế làm giảm tính bền vững trong quá trình thực hiện. Biểu hiện rõ nhất là chưa có sự chia sẻ về quyền lợi và lợi nhuận giữa các bên. Bên cung bao giờ cũng muốn bán được giá, còn bên mua luôn muốn ký được các hợp đồng với mức giá thấp nhất.
Một DN hàng đầu của TPHCM kể rằng, thông thường vào 2 ngày giáp tết, DN này tổ chức các đợt khuyến mãi giảm giá rất mạnh đối với mặt hàng thịt heo để hỗ trợ cho đại đa số người dân lao động nghèo có dịp sắm nồi thịt kho đón tết. Đây cũng là chủ trương chung mà UBND TPHCM giao cho các DN bình ổn phải thực hiện. Để triển khai được việc này, đòi hỏi các nhà cung cấp phải vào cuộc, mỗi bên phải chấp nhận giảm một phần lợi nhuận. Nhưng cách làm này đã không nhận được sự hỗ trợ của các nhà cung cấp, DN này buộc phải chạy đôn, chạy đáo tìm nguồn hàng để thay thế, chấp nhận lấy lãi của các mặt hàng khác để bù lỗ cho các sản phẩm khuyến mãi. Sau mỗi đợt tết, “tình cảm” giữa các DN đều bị giảm đi.
Xung đột lợi ích
Ở góc độ một DN sản xuất, ông Lê Văn Mẻ, Giám đốc Công ty chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai) cho biết, công ty đang đã tiến hành khép kín quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap để thực hiện việc truy suất nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty có thừa khả năng phát triển tổng đàn, cung ứng cho thị trường TPHCM với sản lượng lớn. Nhưng theo nhìn nhận của ông Mẻ, việc liên kết hợp tác với các DN TPHCM rất khó phát triển bền vững. “Chúng tôi không cần các DN TPHCM ứng vốn trước, chỉ cần họ mua hàng theo đúng số lượng đơn hàng và đúng giá thị trường là được. Còn nếu “ép” chúng tôi quá thì DN sẽ mất hết khả năng dự trữ để tái đầu tư, phát triển sản xuất” - ông Mẻ cho biết.
Cùng quan điểm này, đại diện công ty chăn nuôi Bình Minh cho rằng, muốn đưa hàng vào hệ thống các siêu thị TPHCM phải chấp nhận mức chiết khấu rất cao. Nếu đáp ứng yêu cầu này DN gần như làm không công cho các siêu thị! Đây là lý do khiến Bình Minh đến nay vẫn còn e ngại khi tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm thịt gia cầm cho DN TPHCM.
Tương tự, đối với mặt hàng rau củ quả, ông Đỗ Thanh Hưng, Chủ nhiệm HTX Phước Thành (Lâm Đồng) cho biết, hiện HTX đang canh tác trên diện tích 160 ha với 380 hộ nông dân.Với khả năng sản xuất và cung ứng mỗi năm lên tới 15.000 tấn rau củ quả các loại, nhưng đến nay HTX vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. Phần lớn sản phẩm làm ra vẫn phụ thuộc vào các thương lái. “Vừa rồi, một số thương nhân tại các chợ Bình Điền và Hóc Môn có đặt vấn đề với HTX về việc đưa hàng vào chợ đầu mối, nhưng ngặt nỗi là họ không thực hiện ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho từng tháng, từng quý nên các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Nếu chúng tôi có được các hợp đồng cụ thể, với mức giá ổn định theo từng quý thì sẽ tổ chức sản xuất tốt hơn” - ông Hưng bức xúc.
Từ thực tế quản lý và kinh doanh, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty chợ đầu mối Thủ Đức cho rằng, mỗi đêm lượng hàng về chợ bình quân khoảng 3.300-3.500 tấn, cao điểm có thể lên đến 4.000-5.000 tấn, trong đó, rau củ quả từ Lâm Đồng chiếm tới 60% tổng lượng hàng nhập chợ, với 22 mặt hàng. Qua theo dõi, hàng hóa từ Đà Lạt về chợ chưa có những container lớn, chủ yếu được vận chuyển bằng những container nhỏ và của các DN hoạt động độc lập. Biểu hiện này cho thấy, ngay tại đầu nguồn sản xuất, các DN cũng thiếu sự liên kết, hợp tác, tạo thành sức mạnh tổng hòa. Cho đến nay, Nhà nước chưa có được một hệ thống chính sách đầy đủ và đồng bộ để thực hiện các chuỗi liên kết trong cung ứng, nhất là thiếu một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của DN với người sản xuất. |
THÚY HẢI