
Tình hình điều chỉnh giá kéo dài của TTCK đã khiến không ít nhà đầu tư chán nản bỏ sàn nhằm cơ cấu lại nguồn tiền để tìm danh mục bỏ vốn đầu tư khác. Trên sàn chính thức và kể cả OTC, giá hầu hết của các cổ phiếu đều giảm. Trong đó, giảm nhiều nhất là cổ phiếu của ngành ngân hàng. Tính đến thời điểm này, cổ phiếu của các ngân hàng giao dịch trên thị trường OTC đã giảm 50%. Thậm chí, có ngân hàng cổ phiếu giảm hơn 50% như Southern Bank, OCB, ABBANK, KienLong Bank, Việt Á…
Ngoài yếu tố tự nhiên của thị trường, thời gian qua giá chứng khoán còn phải chịu áp lực từ Chỉ thị 03 về khống chế hạn mức cho vay cầm cố của Ngân hàng Nhà nước ban hành. Áp lực về vốn vay của nhà đầu tư từ đó cũng đè nặng hơn trước nên đành phải tính đến bài toán giải ngân thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Thêm vào đó, dự báo của HSBC đưa ra đã làm nhiều nhà đầu tư nản lòng.

Nhà đầu tư Mỹ đang phân tích cổ phiếu tại sàn SSI. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tuy nhiên, trong 2 phiên giao đầu tuần này, chỉ số VN – Index đã có sự điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 9-7, trên sàn TPHCM khối lượng giao dịch tăng nhẹ so phiên cuối tuần trước, đạt 4,1 triệu đơn vị, trị giá hơn 465 tỷ đồng. VN-Index cũng chỉ giảm 0,26 điểm, đóng cửa đạt 1.010,27 điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 2 đầu tuần, VN- Index đạt 1.023,04 điểm, tăng 12,77 điểm, khối lượng giao dịch 4,96 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, với tổng giá trị giao dịch trên 530 tỷ đồng.
Trong đó, có 81 mã tăng giá, 21 mã đứng giá và chỉ 7 mã chứng khoán giảm giá. Đặc biệt, có 16 mã chứng khoán có dư bán đều bằng 0. Dấu hiệu phục hồi của thị trường đang thu hút sự quan tâm trở lại của giới đầu tư cổ phiếu sau một thời gian dài xem xét tình hình.
Trên thị trường OTC sáng ngày 10-7, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng nhẹ trở lại. Cụ thể, giá cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam đã tăng lên 7,4 triệu đồng/cổ phiếu, sau hơn 2 tháng rớt xuống đáy 6,8 triệu đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), Phương Đông (OCB) cũng đang được một số nhà đầu vốn lớn gom vào, vì cho rằng với mức giá đang giao dịch của 2 ngân hàng trên hiện nay là quá rẻ. Hiện giá cổ phiếu của Southern Bank chỉ còn 36.000 – 40.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng), trong khi vào thời điểm đầu năm 2007 giá cổ phiếu của Phương Nam đạt mức 90.000 đồng. Cổ phiếu OCB hiện cũng chỉ ở mức trên dưới 4,5 triệu đồng/cổ phiếu (vào đầu năm 2007 giá 12,5 triệu đồng).
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư quay lại với cổ phiếu ngân hàng được các nhà phân tích đánh giá là kết quả kinh doanh của ngân hàng trong những tháng đầu năm tăng trưởng mạnh. Giá cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên thị trường đã tụt xuống mức quá thấp so với giá trị của doanh nghiệp.
Nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm cho thấy kết quả đạt được rất khả quan, thậm chí còn vượt mức tổng lợi nhuận của cả năm ngoái. Ngân hàng Á Châu chỉ trong 6 tháng đầu năm đã đạt 59% kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế hơn 880 tỷ đồng, trong khi cả năm ngoái chỉ đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đã công bố đầu năm 2007, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm cho thấy ACB đang dần chinh phục mục tiêu đặt ra về mọi mặt. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đã đạt 59% trong chỉ tiêu 1.500 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 89,8%; dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 88,4%. Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 610 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch cả năm 2007 (cả năm ngoái đạt 543,2 tỷ đồng). Eximbank cũng đạt trên 317 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 97% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc DongA Bank cho biết, 6 tháng hoạt động thu về 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 50% kế hoạch cả năm… Đây là lý do chính khiến nhà đầu tư quay lại với cổ phiếu ngân hàng, vì thực tế so với các lĩnh vực và ngành nghề khác, ngân hàng đang là mảnh đất tiềm năng để nhà đầu tư bỏ vốn. Một phần, do hoạt động ngân hàng luôn được kiểm soát chặt chẽ về rủi ro.
THƯ NGUYÊN