Khác với tháng 9 trầm lắng, thị trường chứng khoán từ tháng 10 đến nay giao dịch sôi động. Theo các chuyên gia, việc khối ngoại trở lại mua ròng, kéo VN-Index vượt mốc 600 điểm, có nguyên nhân từ sự kiện TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) đã đàm phán thành công.
Mua 50 triệu USD trong tháng 10
Sau 2 tháng bán ròng liên tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng mua ròng trở lại trên cả 2 sàn trong tháng 10. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, tháng 10 là một trong những tháng mua ròng mạnh của năm với tổng khối lượng đạt 77,72 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 1.155 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD), trong khi tháng 9 khối này bán ròng gần 1.050 tỷ đồng và tháng 8 bán ròng gần 400 tỷ đồng.
Cụ thể, tại sàn TPHCM (HOSE) trong tháng 10 vừa qua, khối ngoại đã mua ròng với khối lượng 71,71 triệu đơn vị, tương đương hơn 1.114 tỷ đồng. Mã cổ phiếu được khối ngoại gom hàng nhiều nhất tại HOSE là MBB (Ngân hàng Quân Đội) với khối lượng và giá trị mua ròng gần 644 tỷ đồng với khoảng hơn 40 triệu cổ phiếu (chiếm hơn 1/2 tổng sàn). Thực tế số cổ phiếu này chỉ được gom trong phiên ngày 8-10, ngay sau khi ngân hàng này quyết định nới room. Tiếp đó là mã DLG (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) với lượng mua gần 9,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 68,5 tỷ đồng. Một trong các tổ chức mua với số lượng lớn mã cổ phiếu này là Quỹ PYN Elite Fund với khoảng 3,34 triệu cổ phiếu. Hiện tổ chức này đã trở thành cổ đông lớn nắm giữ hơn 5% tại DLG. Ngoài ra, các mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng với số lượng lớn là HQC (Công ty Địa ốc Hoàng Quân) với 9,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 55 tỷ đồng và cũng do chính Quỹ PYN Elite Fund mua, trở thành cổ đông nắm giữ 6% tại công ty địa ốc này.
Nhà đầu tư tại một công ty chứng khoán. Ảnh: CAO THĂNG
Trên sàn Hà Nội (HNX), khối ngoại cũng đã mua ròng hơn 7 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 53 tỷ đồng trong tháng 10. Mã cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất ở HNX là TIG (Tập đoàn Đầu tư Thăng Long), lượng mua ròng hơn 2,9 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 29 tỷ đồng. Đáng lưu ý là vẫn Quỹ PYN Elite Fund gom hàng và đẩy mã cổ phiếu này chỉ trong 1 tháng tăng hơn 18%. Tiếp đến là mã cổ phiếu SCR (Công ty Địa ốc Sacomreal) với khối lượng mua ròng hơn 2,2 triệu cổ phiếu, tương đương gần 18 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu khác cũng được mua ròng số lượng lớn như CEO (Tập đoàn CEO) gần 1,44 triệu cổ phiếu, SHB (Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội) với gần 1,2 triệu cổ phiếu…
Động thái mua ròng của khối này vẫn tiếp tục được diễn ra trong những phiên đầu tháng 11 vừa qua. Cụ thể trong phiên giao dịch ngày 3-11, khối này cũng đã mua ròng trên sàn HOSE hơn 4,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 79,6 tỷ đồng. Mặc dù khối này cũng đã bán ròng bên sàn HNX trong phiên này nhưng nhìn chung cả thị trường thì tổng khối lượng mua ròng của khối ngoại đạt hơn 3,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 55,2 tỷ đồng. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime (MSI), cho rằng khối ngoại mua ròng trở lại là yếu tố tác động tốt đến tâm lý cũng như dòng tiền của khối nội. Và VN-Index sẽ tiếp tục vươn tới các điểm cao mới 610, 640 điểm trong thời gian tới.
Cổ phiếu ngành nào đón sóng TPP?
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, bên cạnh các thông tin tích cực, trong đó có việc Chính phủ chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước lớn, sự kiện TPP chính là “chất xúc tác” cho thị trường khởi sắc hơn. Bằng chứng là VN-Index trong tháng 10 đạt mức 607,37 điểm, tăng tới 8% so với cuối tháng 9 và HNX-Index cũng đạt 82,23 điểm, tăng 5,5%.
Phân tích sâu các mã cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ TPP, chuyên viên phân tích Nguyễn Hải Hoàng (Công ty Chứng khoán Rồng Việt) cho rằng, các doanh nghiệp vận tải và logistics đầu ngành sẽ hưởng lợi trước tiên, do có sự tăng trưởng mạnh về giao thương giữa các nền kinh tế thành viên. Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), sản lượng hàng thông quan qua cảng toàn quốc ước tính sẽ tăng trưởng 10% - 12%/năm. Riêng 6 tháng đầu 2015, sản lượng hàng container thông quan đã tăng 25% so với cùng kỳ. Xu hướng này tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của các mã cổ phiếu ngành vận tải và khai thác cảng.
Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), dệt may là một trong 6 nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất từ TPP vì đây là lĩnh vực mà Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào Nhật. Từ thị trường cho thấy, các mã cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ TPP như: ngành dệt may TCM, TNG, HVG, KMR…; cổ phiếu ngành dầu khí như GAS, PVD, PVS, PGS…; ngành thủy sản và thực phẩm như HVG, FMC cũng đều đồng loạt tăng giá.
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), tính đến ngày 30-10-2015, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 18.413 nhà đầu tư nước ngoài, gồm 2.840 nhà đầu tư tổ chức và 15.573 nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, chỉ riêng trong tháng 10, đã có thêm 112 nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm 50 tổ chức và 62 cá nhân) được VSD cấp mã số giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, VSD đã chấp thuận thay đổi thông tin cho 32 nhà đầu tư nước ngoài và hủy mã số giao dịch chứng khoán cho 4 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. MINH HUY |
NHUNG NGUYỄN