Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết lỗ âm vốn, lỗ liên tục và không công bố thông tin. Giá nhiều mã cổ phiếu xuống thấp. Trong khi đó, theo quy định, DN lỗ nặng phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, DN lỗ 3 năm phải hủy niêm yết. Thế nhưng, đến giờ có bao nhiêu DN bị cơ quan chức năng xử lý? Việc tinh lọc DN yếu trong thời điểm hiện nay có ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán?
Không công bố thông tin: Thị trường mù mờ…
Gần đây thị trường chứng khoán “nóng” với công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về công tác thanh tra, giám sát năm 2011: chỉ có 21/695 DN niêm yết làm tốt những quy định bắt buộc về công bố thông tin. Rất nhiều DN niêm yết đã chậm công bố thông tin hoặc bỏ sót những thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư như giải trình biến động kết quả kinh doanh, thay đổi tỷ lệ nợ vay, thay đổi tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, tình hình sử dụng vốn từ các đợt phát hành…
Trước bối cảnh thị trường mang tính toàn cầu hóa, đòi hỏi DN phải minh bạch thông tin, truyền thông hai chiều giữa DN niêm yết và nhà đầu tư. Thế nhưng, trước thực trạng “sức khỏe” nhiều DN rơi vào tình trạng yếu trầm trọng, việc công bố thông tin của các DN niêm yếu không đầy đủ càng làm cho thị trường thiếu minh bạch, khó kiểm soát hơn. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, bởi cảnh tranh tối tranh sáng khiến nhà đầu tư không biết tin vào đâu. Nghiêm trọng nhất là toàn bộ 1.690 công ty đại chúng (trong đó có 704 công ty đã niêm yết trên 2 Sở GDCK, 130 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, 105 công ty chứng khoán, 47 công ty quản lý quỹ) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mất niềm tin từ nhà đầu tư.
Hiện trạng các công ty lỗ đang đứng trước tình trạng báo động. Chỉ tính riêng các công ty chứng khoán, đến nay có 53/105 công ty chứng khoán lỗ với tổng số tiền gần 370 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều công ty lỗ lũy kế vượt xa vốn điều lệ. Do vậy, bên cạnh các công ty chứng khoán lỗ “biến mất” khỏi thị trường, nếu tính số lỗ lũy kế thì số lỗ lên tới gần 6.000 tỷ đồng. Trong số này, có khoảng 12 công ty lỗ hơn 50% vốn điều lệ, 17 công ty lỗ từ 30% đến dưới 50% vốn điều lệ và khoảng 32 công ty lỗ dưới 30%. Nếu chiếu theo Quyết định số 62/QĐ-BTC ngày 10-1-2012 của Bộ Tài chính phê duyệt đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán thì với tình trạng lỗ này sẽ có nhiều công ty chứng khoán rơi tình trạng phải chịu sự kiểm soát đặc biệt.
Đặc biệt trong bối cảnh nhiều DN niêm yết khác vẫn liên tục lỗ khiến thị trường chứng khoán luôn rơi vào trạng thái ảm đạm, đỏ sàn. Hậu quả là nhiều cổ phiếu rớt giá xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí chỉ còn vài trăm đến 1.000 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn mớ rau, cọng hành... Hậu quả là các DN chuẩn bị niêm yết đành “tháo chạy” khỏi sàn, những DN chưa niêm yết thì xin rút khỏi thị trường. Theo thống kê của UBCKNN, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 13 - 15 cổ phiếu bị hủy niêm yết. Phần lớn, sự ra đi của các cổ phiếu này do làm ăn thua lỗ hoặc không minh bạch trong việc công bố thông tin.
Cần sàng lọc, lấy lại niềm tin
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước tình cảnh hiện nay cần sàng lọc thị trường chứng khoán để lấy niềm tin cho nhà đầu tư. Vì với các quy định khá “thông thoáng” về niêm yết cùng với việc dễ kiếm tiền từ đầu tư chứng khoán trước đây đã khiến các DN đua nhau đăng ký niêm yết, đến giờ cần “sát hạch” lại. Không ít DN đó đã từng bị thị trường “lật tẩy” về sự minh bạch tài chính như: định giá cổ phiếu không đúng; kinh doanh lỗ nhưng công bố lãi... thì nay cần phải kiểm soát quyết liệt hơn. Nếu không, với những khó khăn trong kinh doanh, thua lỗ khiến thị trường chứng khoán không còn sức hấp dẫn, giờ với thông tin không minh bạch rõ ràng nhà đầu tư càng lo ngại, rút ra khỏi thị trường, không dám đầu tư ngay cả vào những DN có lãi.
Do vậy, có “thuốc đắng” mới “dã tật”, cần mạnh tay kiểm soát, tinh lọc thị trường. Trước thực tế có quá nhiều DN quy mô quá nhỏ và rất nhiều DN làm ăn thua lỗ triền miên cần được loại bỏ thì các chuyên gia khẳng định rằng, việc loại bỏ các cổ phiếu yếu kém sẽ không tác động xấu đến thị trường mà nó còn nâng chất lượng hàng hóa trên trên thị trường chứng khoán. Vì khi chất lượng được nâng lên, sẽ giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động đầu tư và từng bước lấy lại niềm tin đối với thị trường.
Thống kê cho thấy, có tới 40% số DN niêm yết không đạt chuẩn theo quy định mới tại Thông tư 58 (hướng dẫn các quy định về Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Chính phủ ban hành, trong đó quy định các điều kiện để được niêm yết trên 2 sàn, áp dụng từ ngày 15-9-2012). Do vậy, cuộc thanh lọc cần được thực hiện nay để mang lại niềm tin cho nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay là điều cần thiết.
Chế Hân