Những ngày gần đây, giá vàng liên tục “nhảy múa” và xác lập đỉnh mới. Tình hình này cùng với lạm phát tháng 7 tăng mạnh đã đẩy thị trường chứng khoán đang khó khăn càng trở nên ảm đạm hơn.
Nhiều gam màu tối
Thị trường chứng khoán vẫn tiếp diễn nhiều phiên giao dịch ảm đạm. Dòng tiền vào kênh đầu tư này gần như bế tắc. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, những phiên xanh điểm của VN-Index chỉ đếm trên đầu ngón tay và mức tăng cao nhất cũng chỉ 1,6%, thậm chí trong 4 phiên giao dịch đầu tuần này, VN-Index đi ngang và tổng cộng giảm 0,25%. VN-Index có thể tránh được những phiên “đo ván” và duy trì được đà đi ngang là nhờ một số mã có vốn hóa lớn như VIC, VPL, FPT khởi sắc bất chấp số lượng lớn cổ phiếu giảm áp đảo. Tính mỗi phiên giao dịch thời gian qua đều có không dưới hơn 40% mã cổ phiếu giảm điểm.
Vấn đề giới chứng khoán đau đầu nhất hiện nay chính là thanh khoản của thị trường không hề có dấu hiệu cải thiện. Khối lượng giao dịch bình quân trong tháng chỉ dao động từ 22 - 23 triệu cổ phiếu. Đặc biệt, trong phiên giao dịch của ngày đầu tuần 25-7, VN-Index chứng kiến mức thấp kỷ lục trong hơn 3 năm gần đây về giá trị giao dịch, chỉ đạt 252 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh chưa đầy 15 triệu cổ phiếu. Tâm lý nhà đầu tư đang chán nản hơn bao giờ hết. Lực bán luôn chực chờ để thoát hàng còn bên mua cũng chẳng mặn mà với khối lượng giao dịch thấp.
Nguyên nhân khiến thanh khoản xuống thấp là do vốn đổ vào thị trường chứng khoán đang bị “cạn” kiệt trước các lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt lạm phát liên tục tăng cao. Với diễn biến như vậy, kỳ vọng giảm lãi suất ngân hàng cũng khó thành hiện thực. Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng đã có lúc lên đến 18% (ngày 20-7). Chính những điều này đã tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư muốn giữ tiền để bảo vệ những đồng vốn của họ. Ở khía cạnh khác, không nằm ngoài dự đoán, kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2011 của phần lớn doanh nghiệp (DN) bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước, thậm chí không ít DN thua lỗ. Theo đó, các mã cổ phiếu trên sàn cũng đang có sự phân hóa lớn. Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt hơn đã tăng nhẹ trở lại.
Trong đó, các DN bất động sản và chứng khoán chịu tác động trực tiếp từ yếu tố vĩ mô đã thua lỗ nặng. Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dẫn đầu mức lỗ trong quý 2 với hơn 382 tỷ đồng, tương đương hơn 1/3 vốn chủ sở hữu. Các phiên gần đây, cổ phiếu SHS của công ty này đã mất 16%. Tiếp theo, SBS lỗ 164,7 tỷ đồng, VND lỗ 99 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu của các công ty chứng khoán là do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán ở mức “khủng”. Đồng thời, những “đại gia” trong ngành bất động sản như Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng bất ngờ công bố báo cáo riêng lẻ với mức lỗ hơn 114 tỷ đồng trong quý 2 (lũy kế 6 tháng lãi ròng 207,5 tỷ đồng); Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng vừa công bố lỗ 45,53 tỷ đồng trong quý 2 và lỗ 96,18 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2011.
Bức tranh toàn cảnh của thị trường chứng khoán vẫn là màu xám. Các công ty niêm yết đang phải chật vật vì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tính đến nay, đã có hơn 47% cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá và 78% dưới giá trị sổ sách. Trong khi đó, từ đây cho đến cuối năm, tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất phải gấp rút thu hẹp để đạt tỷ lệ cho phép 16% sẽ khiến cho bất động sản và chứng khoán càng thêm khó khăn.
Tại “cơn sốt vàng”?
Trong khi nhà đầu tư chứng khoán đang ngày càng uể oải bởi các phiên giao dịch thì kênh đầu tư vàng đang “nhảy múa”. Giá vàng trong nước đã chính thức vượt ngưỡng 40 triệu đồng/lượng, lên mức 40,18 triệu đồng/lượng vào chiều 30-7 và vẫn có khả năng tiếp tục xác lập đỉnh mới. Trước tình hình giá vàng tăng liên tục và đang thu hút nhà đầu tư dấy lên lo ngại tâm lý mua vàng tích trữ và một phần tiền sẽ được di chuyển vào đây. Theo đó, thị trường chứng khoán đã “hạn hán” nay càng khó khăn hơn do bị “bỏ rơi”.
Tuy nhiên, thực tế tại các hiệu vàng lớn ở TPHCM và Hà Nội không có dấu hiệu người dân ào ạt đi mua vàng như “cơn sốt” trước đó. Thời điểm ấy, giá vàng leo thang mang tính đầu cơ nhiều hơn. Còn hiện nay, khảo sát cho thấy, đa phần người dân thăm dò về giá vàng nhiều hơn là có ý định mua vào. Tình hình này là do giá vàng tăng cao không xuất phát từ khó khăn trong nước mà bị ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh và đã đạt mức kỷ lục 1.627,2 USD/ounce vào chiều 30-7.
Ngoài việc giá vàng trong nước tăng cao do giá vàng thế giới, các biện pháp để quản lý việc kinh doanh hàng hóa này cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ đang đưa ra dự thảo Nghị định về quản lý, kinh doanh vàng để có thể kiểm soát hiệu quả hoạt động. Do đó, việc giá vàng tăng cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhiều đến thị trường chứng khoán.
Hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư đang bị lung lay. Hy vọng sắp tới các chính sách dành cho thị trường này sẽ hiệu quả hơn, đồng thời chính sách ở lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản và chứng khoán cũng sẽ mềm hơn.
* Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 7 tăng 1,17% so với tháng 6 và tăng 22,16% so với cùng kỳ năm trước, tăng 14,16% so với đầu năm. Với diễn biến đó, mức lạm phát mục tiêu 15%-17% mà Chính phủ đề ra cho năm 2011 khó có thể giữ được. |
Phú Thuận