Chứng khoán thế giới tiếp tục hỗn loạn

G-7 và G-20 hối hả
Chứng khoán thế giới tiếp tục hỗn loạn

Ngày 8-8, thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục rối loạn và giá vàng tăng vọt lên 1.716 USD/ounce bất chấp nhiều nỗ lực ngăn chặn. Các nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào cuộc suy thoái mới nên tiếp tục đổ xô tích trữ vàng.

Nhà đầu tư trước sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư trước sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán.

G-7 và G-20 hối hả

Sáng 8-8, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G-7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Italia và Mỹ) đã thảo luận một lần nữa và nhất trí hợp tác để bình ổn các thị trường tài chính toàn cầu.

Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G-7 cam kết sẽ phối hợp hành động để đảm bảo tính thanh khoản của thị trường và hỗ trợ thị trường tài chính, ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế. G-7 cũng cam kết giải tỏa những căng thẳng bắt nguồn từ các thách thức hiện nay về thâm hụt ngân sách, nợ và tăng trưởng, đồng thời đánh giá cao các hành động cương quyết tại Mỹ và châu Âu.

Cùng ngày, tại Hàn Quốc, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tuyên bố sẵn sàng cùng hành động để giúp tránh một cuộc khủng hoảng kép. Theo tuyên bố, G-20 cam kết sẽ liên lạc chặt chẽ trong những tuần tới và “hợp tác thích hợp, sẵn sàng hành động để đảm bảo khả năng thanh khoản trên các thị trường tài chính và bảo vệ tăng trưởng kinh tế”.

Đến lượt ECB “ra tay” cứu lục địa già

Giữa lúc dư luận quan ngại về những khoản nợ công đang có nguy cơ nhấn chìm nhiều nền kinh tế tại lục địa già này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định sẽ tích cực triển khai kế hoạch mua trái phiếu các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Theo thông cáo sau cuộc họp, ban lãnh đạo đêm 7-8, ECB sẽ tập trung mua trái phiếu của Italia và Tây Ban Nha sau khi 2 nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong khu vực đồng tiền chung này thông báo đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ công. Ngoài kế hoạch mua trái phiếu của các nước thuộc khu vực đồng EUR, ECB cũng thảo luận về khả năng thanh toán tiền mặt trong trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng băng thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, với hành động “ra tay” của ECB lần này, các nhà đầu tư đang quan ngại việc ECB bắt đầu mua nợ của Italia và Tây Ban Nha, có thể sẽ tạo ra những bất đồng ngay bên trong hội đồng điều hành ECB. Bởi vì theo nhà kinh tế  Gilles Moec của Ngân hàng Deutsche Bank, Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) quá nhỏ để có thể giải cứu Italia hoặc Tây Ban Nha nếu các nước này vỡ nợ theo Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Các chuyên gia của Goldman Sachs ước tính ECB sẽ phải mua ít nhất từ 100 đến 130 tỷ EUR trái phiếu của Italia và Tây Ban Nha, so với tổng số trái phiếu nợ nước ngoài mà quỹ này đang nắm giữ là 74 tỷ EUR.

Thị trường vẫn thấp thỏm

Thị trường chứng khoán châu Âu nhích lên chút ít ngay khi mở cửa ngày 8-8 nhờ những tuyên bố mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, nhưng sau đó mất điểm liên tục. Thị trường chứng khoán châu Á từ Tokyo, Hồng Công (Trung Quốc), Seoul cho đến Sydney tiếp tục lao dốc.

Chỉ một tuần biến động, thị trường chứng khoán toàn cầu bị thiệt hại 2,5 ngàn tỷ USD. Theo các chuyên gia, việc bán tống, bán tháo cổ phiếu không xuất phát từ thực tế nền kinh tế mà chủ yếu do tâm lý sau khi Standard & Poor’s hạ mức tín dụng của Mỹ, trong khi nhiều người không hiểu rõ những tác động của hạ cấp tín dụng.

Trung Quốc ngày 8-8 đã chỉ trích các nước phương Tây góp phần đẩy công cuộc hồi phục kinh tế toàn cầu lâm vào nguy hiểm khi “phớt lờ trách nhiệm” trong cuộc khủng hoảng nợ. Theo People Daily, các nhà xuất khẩu châu Á, vốn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường Mỹ, sẽ nằm trong số những nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề nhất do kinh tế Mỹ ngày một khó khăn.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục