“Khi lãi suất huy động giảm, thị trường chứng khoán (TTCK) có nhiều kỳ vọng phục hồi bởi những kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản kém hấp dẫn” - đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại các hội thảo về chứng khoán trong tháng 5. Thế nhưng, thực tế cho thấy, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 2 lần lãi suất huy động từ 14% xuống còn 12%/năm vẫn chưa thấy thị trường khởi sắc. Liệu đợt giảm lãi suất thứ 3, đưa lãi suất huy động về 9%/năm, có tác động đến thị trường?
Thị trường “lờ” tin tốt
Thông thường, khi lãi suất tiền gửi hạ, người gửi tiền thấy không còn hấp dẫn ở kênh gửi tiết kiệm sẽ chuyển dòng tiền này đến những kênh đầu tư sinh lợi khác tốt hơn. Thời gian qua, vàng miếng kém sinh lời vì đang được siết chặt quản lý, thị trường bất động sản vẫn đóng băng và khó khăn vẫn còn phía trước. Chính vì thế TTCK có nhiều kỳ vọng hút được dòng tiền theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”.
Nhưng không như kỳ vọng, bất chấp những thông tin hỗ trợ mạnh như nới lỏng tiền tệ, sàn chứng khoán HNX chuẩn bị ra “rổ” HNX-30 và hàng loạt các động thái “mạnh tay” của cơ quan quản lý nhằm tạo sự minh bạch cho thị trường như ngăn chặn cổ đông nội bộ lướt sóng, hạn chế thời gian và công bố thông tin… TTCK đầu tháng 6 tiếp tục sụt giảm với quy mô thanh khoản giảm kỷ lục trong hơn 2 tháng qua. Thị trường phiên cuối tuần qua tiếp tục thờ ơ với thông tin cắt giảm lãi suất mạnh của NHNN, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index vẫn “tụt áp”.
Lý giải về việc TTCK thờ ơ với lãi suất, TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, thông tin về giảm lãi suất nếu trước đây được gọi là tin tốt thì hiện nay thị trường có dấu hiệu “trơ” đi vì 2 đợt giảm trước không gây phản ứng nhiều cho TTCK. Phân tích sâu hơn, TS Lê Đạt Chí cho rằng, lãi suất huy động có giảm nhưng 11%/năm vẫn an toàn so với đầu tư vào chứng khoán rủi ro cao. Thêm vào đó, bức tranh toàn cảnh nền kinh tế còn xấu, DN gặp nhiều khó khăn, hàng hóa không tiêu thụ được nên hàng tồn kho nhiều. Ngân hàng dư tiền nhưng DN không hấp thụ được vốn, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn âm. “Vì bối cảnh kinh tế tăng trưởng trì trệ, DN còn quá nhiều khó khăn nên các thông tin tích cực khác cũng như lãi suất giảm không đủ sức để gây ra hiệu ứng và tạo niềm tin cho thị trường” - TS Lê Đạt Chí nói.
Khó hồi phục trong ngắn hạn
Theo các chuyên gia, TTCK luôn nhìn vào xu hướng tương lai. Trong khi đó, với tình hình hiện nay chưa có gì chắc chắn thời gian tới sẽ tốt hơn. Mối lo ngại hiện nay không phải dòng tiền chưa vào mà TTCK đang “ngóng” kinh tế vĩ mô. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), DN hiện nay không hấp thụ nổi vốn, sản xuất kinh doanh đình trệ nên nợ xấu sẽ bị ảnh hưởng. Cần có thêm thời gian để lấp “khoảng trống” giữa hệ thống ngân hàng và các DN.
Việc đặt ra các mức trần lãi suất trong bối cảnh hiện tại chỉ mang tính định hướng chứ không thể khiến cả 2 bên hy sinh lợi ích của mình để tìm một điểm cân bằng ngay trong ngắn hạn. Mặt khác, mức tổng cầu của nền kinh tế sẽ quyết định yếu tố đầu ra của DN và đây mới là yếu tố then chốt để đưa nền kinh tế ra khỏi giai đoạn suy giảm. Nền kinh tế sẽ cần thêm thời gian tự điều chỉnh và vận hành theo đúng quy luật “thị trường” thì các yếu tố khó khăn mới dần được giải quyết, TTCK từ đó mới có thể xác lập lại xu thế tăng bền vững.
Đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, Chính phủ và NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề nội tại của Việt Nam: giải quyết nợ xấu trong hệ thống NH và DN; cung vốn đúng chỗ nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng; kích thích tiêu dùng, hỗ trợ DN giải phóng hàng tồn kho… Tuy nhiên, tất cả vấn đề này cần phải có thời gian để giải quyết. Hơn nữa, chính sách luôn có độ trễ nên tác động tích cực của nó cần thời gian để chứng minh. Do đó, TTCK sẽ tiếp tục ảm đạm, vì khó phục hồi trong ngắn hạn.
Cũng có ý kiến cho rằng, VN-Index đang trong xu thế điều chỉnh giảm để xác lập mức đáy, sau đó có khả năng tăng trưởng. Tuy nhiên, theo TS Lê Đạt Chí, không thể xác định đâu là đáy hay đâu là giá hấp dẫn của chứng khoán mà chỉ có giá kỳ vọng: “Trong TTCK, nhà đầu tư luôn có lòng tham và nỗi sợ hãi. Khi nỗi sợ hãi tăng thì nhà đầu tư sẽ bán tháo, lúc đó thị trường sẽ rớt xuống. Thị trường rớt đến mức nhà đầu tư thấy đó là giá rẻ, lòng tham nổi dậy mua vô thì giá sẽ tăng”.
Về dài hạn, trong khoảng 1 năm tới, TTCK sẽ có nhiều đợt sóng bùng lên nhưng trong xu hướng xuống. “Sẽ có cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng vì họ có lòng tham và sự sợ hãi. Tuy nhiên, đó chưa phải là thời điểm tốt cho giới đầu tư dài hạn vì nền kinh tế vẫn chưa có những dấu hiệu phục hồi rõ ràng” - TS Lê Đạt Chí cho biết.
Nhung Nguyễn