* Mỹ: Điều tra các cá nhân liên quan đến sụp đổ hệ thống ngân hàng
Theo AFP, ngày 17-11, hầu hết thị trường chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt mất điểm giữa lúc có tin châu Âu đang tìm cách cứu nền kinh tế Ireland cùng các biện pháp kiểm soát lạm phát tại Trung Quốc.
Hầu hết các chỉ số chứng khoán tại châu Á đều giảm trừ chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,15%. Thị trường chứng khoán châu Á giảm do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu. Trong phiên đóng cửa ngày 16-11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,59%, chỉ số S&P 500 giảm 1,62% và chỉ số Nasdaq giảm 1,75%.
Tại châu Âu, phiên mở cửa ngày 17-11, chỉ số FTSE 100 tại London giảm 0,32%, chỉ số DAX tại Franfurt giảm 0,06%, chỉ số CAC tại Paris giảm 0,23%.
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết nước này đang lên kế hoạch kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng 4,4%, cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Trong một diễn biến có liên quan, báo Shanghai Daily của Trung Quốc dẫn báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này tiếp tục là nước mua nhiều nhất trái phiếu tại Mỹ liên tục trong 3 tháng qua. Tính đến tháng 9, tổng giá trị trái phiếu Trung Quốc giữ của Mỹ là 883,5 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 8. Đứng thứ hai là Nhật Bản với 865 tỷ USD và thứ ba là Anh với 459,1 tỷ USD. Tổng cộng, các nước trên thế giới hiện nắm 4.200 ngàn tỷ USD giá trị trái phiếu của Mỹ.
Ngoài ra, trước khả năng EU tung tiền cứu kinh tế Ireland, các nhà đầu tư tại châu Âu và châu Á lo ngại đồng EUR mất giá nên chuyển sang đầu tư bằng USD, điều này làm giá USD tăng so với EUR, yên và nhiều đồng tiền khác. 1 EUR hiện chỉ còn đổi được 1,3494 USD, mức thấp nhất trong 2 tuần qua. USD cũng tăng giá so với một số tiền tệ châu Á. Cũng do giá USD tăng, giá vàng thế giới tiếp tục giảm.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phối hợp cùng Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi (FIDC) sẽ điều tra khoảng 50 cựu thành viên ban quản trị, giám đốc, nhân viên các ngân hàng, tổ chức tài chính Mỹ phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
Theo FIDC, hơn 300 ngân hàng, các quỹ tín dụng đã sụp đổ từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra năm 2008. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một vài cá nhân bị buộc tội gây ra vụ đổ vỡ hàng loạt trên.
Theo Phó Tổng thanh tra FDIC, Fred W. Gibson, các ngân hàng lớn nhỏ đã sụp đổ trên cả nước đều nằm trong diện bị điều tra. FIDC sẽ tịch thu tiền, tài sản của các cựu quan chức ngân hàng nếu bị kết tội. Dự kiến, số tiền thu được từ 80 quan chức và giám đốc các ngân hàng sụp đổ có thể lên đến 2 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Gibson đã từ chối cung cấp tên các ngân hàng bị điều tra.
Cùng lúc này, khoảng 50 tổng chưởng lý các bang của Mỹ cũng đang thảo luận về thỏa thuận chung nguyên tắc tịch thu tài sản. Hiện nay, rất nhiều các chủ sở hữu phàn nàn về việc bị tịch thu tài sản không hợp pháp. Mỗi bang có một quy định và chủ sở hữu tài sản thường phải bắt buộc thông qua môi giới để được vay tiền ngân hàng. Các thủ tục thường xuyên thay đổi khiến những người muốn vay tiền bị “nhiễu” thông tin. Điều này thực sự gây khó khăn cho các khách hàng và dẫn đến sự không rõ ràng trong tịch thu tài sản.
Thụy Vũ - Đỗ Văn