Chứng khoán và… nhân sâm

Đúng như dự đoán của nhiều người, hôm qua, 26-3, sau một loạt biện pháp mạnh mà Chính phủ đưa ra, nhiều cổ phiếu đã quay đầu tăng giá kịch trần, giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 500 điểm, tạm biệt “một tuần đen tối”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu lần này, thị trường chứng khoán (TTCK) có thật sự phục hồi, hay cũng chỉ “cầm hơi” được mấy ngày giống như lần trước - khi Chính phủ chỉ đạo SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) chọn mua vào 3.000 tỷ đồng cổ phiếu nhằm ổn định thị trường?

Nếu ví nền kinh tế đất nước là một cơ thể sống thì TTCK giống như một bộ phận quan trọng của cơ thể. Cơ thể có khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt thì các bộ phận của cơ thể mới có thể hoạt động, phát triển bình thường, ổn định.

Nhìn trên tổng thể, kinh tế thế giới đang mất ổn định, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ rơi vào suy thoái, cũng giống như môi trường sống đang bị ô nhiễm, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng khiến cho cơ thể vốn sức đề kháng còn yếu của chúng ta bị nhiễm bệnh (giá cả tiêu dùng, lạm phát tăng cao).

Trong bối cảnh đó, TTCK – một bộ phận non trẻ của cơ thể chúng ta – lại đang có vấn đề: phần lớn các nhà đầu tư trong nước đều không chuyên nghiệp, lại chủ yếu đầu tư theo kiểu lướt sóng, nhiều người phải “chơi” bằng vốn vay ngân hàng.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, nếu các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài (vốn chuyên nghiệp, phần lớn đầu tư dài hạn) luôn bình tĩnh thì các nhà đầu tư trong nước lại rơi vào “tâm lý đám đông”, đua nhau bán tháo khi thị trường đi xuống và ngược lại.

Đặc biệt những ngày qua, trong bối cảnh lạm phát ngày một leo thang, nguyên liệu đầu vào ngày một tăng cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa được khơi thông, TTCK thế giới và khu vực bấp bênh, sự khủng hoảng thị trường tín dụng Mỹ vẫn chưa được cải thiện…, tâm lý nhà đầu tư càng trở nên bất an.

Những người am hiểu về chứng khoán đều biết rằng, thị trường đặc biệt này gần như không tuân theo quy luật cung – cầu mà tuân theo quy luật lợi nhuận kỳ vọng. Có nghĩa, sức hút của cổ phiếu không phụ thuộc vào lượng cung ít hay nhiều mà nằm ở chỗ cổ phiếu nào mang lại cổ tức nhiều hơn.

Việc thời gian vừa qua, gần như tất cả các mã chứng khoán đều giảm giá thảm hại cho dù phần nhiều trong số đó đều thuộc các doanh nghiệp mà báo cáo kiểm toán cho thấy là ăn nên làm ra, càng chứng tỏ sự chuyên nghiệp, bài bản trong cuộc chơi của các nhà đầu tư trong nước là có vấn đề.

Trước sự tụt dốc không phanh của thị trường, chiều 25-3, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp cấp bách để “cứu” thị trường, trong đó tiếp tục yêu cầu SCIC tập trung mua vào các cổ phiếu có tỷ trọng lớn.

Để giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư khi đáo hạn trả nợ vốn ngân hàng, các ngân hàng thương mại được yêu cầu tạm ngưng giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán… Theo nhận định của một số chuyên gia, đây là giải pháp có “tác dụng tức thời”, chắc chắn sẽ giúp TTCK – mà thực chất là giúp những “đại gia lướt sóng” - hồi tỉnh.

Tuy nhiên, cũng giống như “một liều nhân sâm”, sự hồi tỉnh đó chỉ mang tính nhất thời - khi nhân sâm còn chất. Còn về lâu dài, TTCK chỉ có thể hồi sinh và phát triển ổn định thật sự khi thể trạng của nền kinh tế (vĩ mô) được phục hồi một cách vững chắc và TTCK không còn những “làn sóng” đầu tư theo kiểu đầu cơ. 

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục