Chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch

Tới thời điểm này, số người mắc Covid-19 tại nước ta là 203 người và chưa có trường hợp nào tử vong. Đây được xem là nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc kiểm soát, khống chế và điều trị người mắc Covid-19.

Để kiểm soát và hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống ngăn chặn quyết liệt, với sự ủng hộ của người dân. Việt Nam đã áp dụng khai báo y tế với mọi người tới từ vùng dịch, tiếp đó là áp dụng biện pháp cách ly toàn bộ những người từ vùng dịch nhập cảnh Việt Nam. Từ ngày 10-3, Việt Nam triển khai việc khai báo y tế, sức khỏe toàn dân và được xem như một biện pháp phòng chống dịch chủ động. 

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc khai báo y tế toàn dân không chỉ là trách nhiệm theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch, đưa đất nước sớm vượt qua được dịch bệnh nguy hiểm này.

Tuy nhiên, trong khi Đảng, Chính phủ, lực lượng chức năng, người dân đang gồng mình phòng chống, khống chế dịch, lại có một số cá nhân từ vùng dịch về và những người có nguy cơ cao khai báo y tế không trung thực, thậm chí cố tình giấu giếm thông tin việc đi lại, tiếp xúc xã hội. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ với một số trường hợp, như ca thứ 17 ở Hà Nội, thứ 34 ở Bình Thuận,... có lịch trình đi lại, tiếp xúc phức tạp nhưng lại khai báo y tế không trung thực, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đáng lên án hơn, không ít trường hợp từ vùng dịch trở về, được đưa vào khu cách ly tập trung, được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng ngày đêm chăm lo chu đáo về sức khỏe, ăn uống, điều kiện sinh hoạt nhưng lại bất tuân quy định, bỏ trốn khỏi khu cách ly, như vừa xảy ra ở khu cách ly tập trung tỉnh Tây Ninh. 

Bên cạnh đó, trong cuộc chiến chống dịch, người dân không chỉ đối mặt với sự đe dọa của virus nguy hiểm mà còn đối mặt với rất nhiều thông tin bịa đặt, giả mạo trên mạng xã hội. Thậm chí, phát ngôn của một cá nhân trên mạng xã hội còn được ví như “ổ dịch”, “tâm dịch” vì thông tin không đúng đó được phát tán đi khắp nơi, khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Trong cuộc chiến với dịch hiện nay, việc không trung thực, giả dối, bất tuân các quy định pháp luật có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng; không chỉ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng mà còn gieo rắc nỗi hoang mang, sợ hãi và bất ổn trong đời sống xã hội. Tệ hơn, điều đó có thể còn khiến cho công sức, mồ hôi, tiền của cho công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh trôi sông trôi biển.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngày 30-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19. Trong lời hiệu triệu toàn dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi dân đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!

Để chống dịch Covid-19, rõ ràng, bên cạnh sự nỗ lực quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự tham gia có trách nhiệm của người dân là nhân tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh. Và, chắc chắn rằng, toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cùng nhau chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục