Nở rộ
Trang web của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) liên tục thông báo tuyển sinh các khóa học điện ảnh: Làm phim cơ bản, phim tài liệu, biên kịch điện ảnh, quay phim, nghiên cứu phim...
Thành lập từ năm 2002, theo anh Nguyễn Hoàng Phương, phụ trách điều hành TPD, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trung bình mỗi tháng có khoảng 100 học viên đăng ký tham gia với 5-6 lớp học khác nhau, mỗi khóa học 12-16 buổi.
A.C.T Academy của diễn viên Kathy Uyên cũng liên tục tuyển sinh các khóa học dành cho hai đối tượng: học viên từ 6 đến 17 tuổi (lớp diễn xuất) và trên 18 tuổi (lớp diễn xuất, chỉ đạo diễn xuất, biên kịch). Xinê House hiện đang tuyển sinh các lớp về đạo diễn quảng cáo trong tháng 7. Trong khi đó, Art Work cũng vừa khai giảng khóa học mới Hiểu về thriller - Làm sao để “giật gân”?
Nói về xu hướng trên, anh Nguyễn Hoàng Phương cho biết: “Điều này bắt nguồn từ xu hướng trên thế giới khi các bạn trẻ ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với điện ảnh. Nhu cầu thị trường và cơ hội nghề nghiệp cũng rộng mở khi nhiều nhãn hàng, công ty muốn sản xuất phim quảng cáo, clip viral, web drama, MV… Nhu cầu học tăng trong khi các trường đào tạo chính quy mỗi năm có chỉ tiêu tuyển sinh nhất định”.
Còn theo chị Nguyễn Phương Anh, đại diện Xinê House, nhu cầu này xuất phát từ sự phát triển của ngành điện ảnh cũng như mong muốn tham gia làm việc trong ngành điện ảnh của các bạn trẻ.
Thường xuyên đứng lớp các khóa học về biên kịch tại Art Work, biên kịch Trần Khánh Hoàng chia sẻ thêm: “Không chỉ bạn trẻ đam mê điện ảnh và muốn định hướng nghề nghiệp theo ngành này ở các vị trí biên kịch, đạo diễn, sản xuất, quay phim... mà cả những bạn “mọt phim” cũng có nhu cầu rất lớn trong việc tham gia các khóa học, hội thảo về điện ảnh”.
Vượt qua khó khăn
Để duy trì hoạt động gần 20 năm như TPD hay thời gian ngắn hơn như A.C.T, Xinê House, Art Work… là cả bài toán khó. Ở góc độ người giảng dạy, biên kịch Trần Khánh Hoàng chỉ ra: “Việc soạn thảo giáo trình, công tác tổ chức, quảng bá hiện nay của các lớp học điện ảnh ngắn hạn chỉ được thực hiện dưới quy mô cá nhân. Do đó, tác động và sự lan tỏa chưa đủ lớn. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ công tác chuyên môn của người giảng dạy lẫn sự tham gia điều phối tổ chức của các nhà sản xuất, cấp quản lý để có thể phát triển và nhân rộng hơn nữa những mô hình này”.
Anh Hoàng Phương đề cập đến bài toán kinh phí hoạt động. Bởi sau khi không còn tài trợ từ nước ngoài, do đặc thù là tổ chức phi lợi nhuận, học phí các khóa học không thể cao và không đủ duy trì hoạt động của TPD. Tuy nhiên, anh Phương đánh giá thách thức lớn hơn nằm ở việc xây dựng và kết nối cộng đồng.
“Việc xây dựng cộng đồng ở đây không chỉ riêng các nhà làm phim mà còn là cộng đồng khán giả, các học viên, các không gian văn hóa sáng tạo… Nếu kết nối được với nhau thì sẽ bổ sung, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, anh Phương chia sẻ. Trên thực tế, nhờ việc kết hợp tài trợ trong nước, quốc tế, các đại sứ quán, tổ chức văn hóa, các LHP…, mỗi năm TPD có khoảng 10 học viên tham gia các chương trình trao đổi đào tạo với các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, các nước châu Âu….
Vượt qua khó khăn, không thể phủ nhận các khóa học ngắn hạn về điện ảnh đã tạo nhiều hiệu quả tích cực với sự phát triển của điện ảnh Việt. Theo đánh giá của chị Phương Anh: “Các khóa học là cơ hội kết nối cho các bạn trẻ với những người làm nghề. Các anh chị giảng viên đôi khi tìm kiếm được nhân viên hoặc đồng nghiệp trẻ tiềm năng từ nhóm học viên”.
“Việc ngày càng nhiều người trong ngành và cả khán giả đại chúng hiểu biết, cập nhật kiến thức điện ảnh sẽ tạo ra một nhu cầu thưởng thức cao hơn. Nó đòi hỏi nhà làm phim phải cố gắng, sáng tạo nhiều hơn để thỏa mãn họ”, biên kịch Khánh Hoàng chia sẻ.
So với học chính quy tập trung, các khóa học kiểu này thời gian học ngắn, cung cấp kiến thức chuyên môn ở một chủ đề nhất định là ưu điểm nổi bật. Theo đại diện Xinê House, những người đứng lớp thường là người làm nghề nên ngoài việc truyền dạy kiến thức còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế. |