Chung tay bảo vệ quyền lợi trẻ em

Nhiều năm qua, Tổ tư vấn cộng đồng và trẻ em (thuộc Hội Luật gia quận 11, TPHCM) đã trở thành địa chỉ thân quen của trẻ em dưới 16 tuổi mỗi khi các em gặp những khúc mắc về tâm lý, tình cảm, học tập mà không thể kể cùng bố mẹ, người thân. Với mục đích hoạt động là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em trước pháp luật, tổ cũng giúp đỡ, bào chữa miễn phí khi có yêu cầu của người giám hộ hoặc các cơ quan chức năng.
Chung tay bảo vệ quyền lợi trẻ em

Nhiều năm qua, Tổ tư vấn cộng đồng và trẻ em (thuộc Hội Luật gia quận 11, TPHCM) đã trở thành địa chỉ thân quen của trẻ em dưới 16 tuổi mỗi khi các em gặp những khúc mắc về tâm lý, tình cảm, học tập mà không thể kể cùng bố mẹ, người thân. Với mục đích hoạt động là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em trước pháp luật, tổ cũng giúp đỡ, bào chữa miễn phí khi có yêu cầu của người giám hộ hoặc các cơ quan chức năng.

Chỗ dựa tin cậy

Một ngày giữa năm 2009, chị Trần Thị T. tìm đến tổ nhờ các luật gia, luật sư của tổ giúp đỡ để chị được nhận lại con mình. Chị T. cho biết, gần 2 năm trước, chị lập gia đình và sinh một bé trai kháu khỉnh. Đứa bé gần đầy năm thì người chồng bỏ mẹ con chị và theo một phụ nữ khác. Để nuôi con nhỏ và phụng dưỡng mẹ già, chị phải bươn chải với đời.

Và trong một phút nông nổi, với ý nghĩ trả thù người chồng bội bạc, chị T. lạc vào con đường làm gái mại dâm. Con trai vừa tròn 12 tháng tuổi, chị T. bị bắt và bị đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa (Bình Phước). Người mẹ già không đủ khả năng nuôi cháu nên đã gửi cháu vào một trại trẻ mồ côi.

Sau khi ra khỏi trung tâm, chị T. muốn xin lại con tại trại trẻ mồ côi về nuôi nhưng cái khó là chị đã làm mất giấy tờ tùy thân của mình và giấy khai sinh của cháu bé.

Nắm được mấu chốt vấn đề, các luật sư, luật gia Hội Luật gia quận 11 hướng dẫn chị T. trở lại trại cải tạo và địa phương nơi chị sinh sống để xác nhận lại các giấy tờ tùy thân. Nhờ đó, chị T. đã được nhận lại con trai và hiện đang sống tốt để làm gương cho con mình. “Những gì đã qua sẽ là bài học để tôi sống mạnh mẽ hơn và cố gắng nuôi dạy con trưởng thành”, chị T. chia sẻ.

Trường hợp của Nguyễn Thu H. (17 tuổi, phường 3, quận 11) rất đáng thương. H. làm mẹ khi mới 16 tuổi, bố đứa trẻ là Bùi Văn T. (26 tuổi, ngụ quận 6) vốn là chàng trai sống dựa dẫm vào bố mẹ, không có nghề nghiệp, mê chơi điện tử.

Sau khi lấy nhau và sinh con, đã nhiều lần H. khuyên chồng tìm việc làm ổn định để nuôi con và tính chuyện tương lai lâu dài. Thế nhưng, không những T. không nghe mà còn gây sự với vợ. Giận chồng, H. ôm con gần 9 tháng tuổi về nhà mẹ đẻ sống rồi xin việc làm.

Trong thời gian đó, thỉnh thoảng gia đình T. có qua nhà sui gia thăm cháu. Một lần, họ xin bế cháu về chơi rồi không đưa cháu về lại. Mặc dù H. đã nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương nhưng cũng không đòi được con. H. liền tìm đến Hội Luật gia quận 11 cầu cứu khi bên nội giữ đứa trẻ đã 15 ngày (đứa bé còn bú sữa mẹ).

Được Hội Luật gia hướng dẫn, hỗ trợ và can thiệp bằng việc gửi đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gửi đến TAND quận 6 TPHCM, H. đã nhận được lại con.

Trên đây là hai trong rất nhiều trường hợp đã được Tổ tư vấn cộng đồng và trẻ em tư vấn, trợ giúp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em thành công. Qua đó, tổ đã trở thành chỗ dựa tin cậy của trẻ em sống trên địa bàn quận trước pháp luật.

Luật gia Nguyễn Hồng Phượng (bìa phải) đang tư vấn cho phụ huynh về tâm lý trẻ em.

Luật gia Nguyễn Hồng Phượng (bìa phải) đang tư vấn cho phụ huynh về tâm lý trẻ em.

Hiệu quả thiết thực

Từng tham gia nhiều phiên tòa liên quan đến trẻ em tại quận 11, các luật gia, luật sư thuộc Hội Luật gia quận 11, TPHCM đã được nghe nguyên nhân chính khiến trẻ em phạm pháp hoặc liên quan đến các vụ tranh chấp là do các em thiếu hiểu biết pháp luật, gia đình không hạnh phúc (cha mẹ ly hôn hay thường xuyên xảy ra mâu thuẫn).

Trăn trở trước thực trạng trên, năm 2000, Hội Luật gia quận 11 quyết định thành lập Tổ tư vấn cộng đồng và trẻ em.

Bà Trần Thị Phụng, Chủ tịch Hội Luật gia quận 11 cho biết: “Mục đích của tổ là ưu tiên thực hiện công tác tư vấn, bào chữa miễn phí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trước pháp luật. Bên cạnh đó, tổ cũng phối hợp các cơ quan chức năng, trường học tại địa bàn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền pháp luật cho trẻ em, cộng đồng và gia đình, giúp các em hiểu biết và nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Gần 10 năm ra đời, với những hiệu quả thiết thực, tổ đã nhận được sự tin tưởng của người dân. Dần dần, người dân chủ động tìm đến tổ khi sự việc tranh chấp mới phát sinh, vì vậy quá trình giải quyết thuận lợi hơn, hạn chế tình trạng tranh chấp kéo dài”.

Luật gia Nguyễn Hồng Phượng (thành viên Tổ tư vấn cộng đồng và trẻ em) tâm sự: “Hầu hết các trường hợp sau khi được chúng tôi tư vấn, phân tích về quyền và nghĩa vụ trẻ em, cha mẹ các em đã nhận thức được vấn đề. Tuy nhiên, đối với những trường hợp gia đình lao động thì người lớn khó tiếp nhận hơn. Do vậy cần phải theo dõi, kiên trì giải thích đến khi họ hiểu ra vấn đề. Mô hình tư vấn cộng đồng thực sự đã giúp nhiều trẻ em tháo gỡ những khó khăn trong học tập, tình cảm và ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy đến với các em”. 

THANH HỢP

Tin cùng chuyên mục