Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì buổi đối thoại. Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cùng đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ.
Phát huy sức mạnh văn hóa
Phát biểu mở đầu, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ mục đích và những yêu cầu của hoạt động Đối thoại văn hóa năm 2020. Theo đồng chí, sức mạnh quốc gia không chỉ đo bằng sức mạnh kinh tế, bằng giá trị vật chất mà còn bằng sức mạnh văn hóa. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đất nước Việt Nam chống chọi với các lực lượng ngoại xâm và chúng ta đều chiến thắng, đằng sau nguyên nhân đó là sức mạnh văn hóa của dân tộc. Trong các thuộc tính rất đặc biệt của văn hóa Việt Nam, giá trị tiêu biểu hàng đầu là yêu nước.
Chỉ ra sức mạnh của văn hóa, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, trong cuộc sống, văn hóa là tiền đề để cộng đồng người Việt, đất nước Việt Nam phát triển ổn định, bền vững. Văn hóa giúp tạo nên sức mạnh dân tộc khi đối đầu với thách thức lớn, là ngoại xâm và thiên tai; chính sức mạnh văn hóa giúp đất nước Việt Nam vượt qua thách thức. Sức mạnh văn hóa, giá trị văn hóa còn là nền tảng hạnh phúc của cá nhân và gia đình.
Khẳng định TPHCM quan tâm đến sức mạnh văn hóa của đất nước, của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “TPHCM coi văn hóa như một nguồn lực phát triển mạnh mẽ cần khai thác tốt hơn trong thời gian tới”. Cụ thể, trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), TPHCM đã nêu mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong 6 giải pháp TPHCM chú trọng để phát triển giai đoạn tới, giải pháp thứ hai là phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững. TPHCM cũng có chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa. Để khởi đầu cho quá trình nhấn mạnh hơn, coi trọng hơn, khuyến khích hơn về văn hóa, năm 2020 TPHCM chọn chủ đề là “Năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Và từ tháng 6-2020, TPHCM tổ chức đối thoại văn hóa định kỳ trên các phương tiện truyền thông, tạo môi trường, không gian để các chuyên gia văn hóa, người làm nghệ thuật, nhà quản lý, người Việt Nam ở trong và ngoài nước… trao đổi về văn hóa; là điều kiện tìm hiểu đời sống văn hóa đang diễn ra như thế nào; phát huy sức mạnh văn hóa cho sự phát triển ra sao, phát huy sức mạnh của mỗi cán bộ, mỗi người dân đóng góp cho sự phát triển của TPHCM.
“Đối thoại văn hóa, cùng chung tay để văn hóa trở thành yếu tố đặc trưng, động lực cho sự phát triển, để TPHCM trở thành TP văn hóa, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Thách thức và hướng đi mới
Nói về những thách thức đối với ngành văn hóa hiện nay, nhiều ý kiến của các đại biểu bày tỏ nỗi lo lắng trước những vấn đề tồn tại trong nhận thức của người trẻ. Chị Phùng Thị Diệu Hương, Phó Bí thư Thường trực Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, 2 đặc trưng tiêu biểu của thế hệ thanh niên hiện nay là tính hướng ngoại và năng động, dù không mang tính đặc trưng nhưng hiện nay đã xuất hiện chủ nghĩa cá nhân, cực đoan, ích kỷ, vô cảm trong một bộ phận người trẻ.
Những tồn tại ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, di sản… cũng được bàn thảo sôi nổi, trong đó nổi cộm là câu chuyện về lớp nghệ sĩ và khán giả kế thừa; việc đầu tư cho văn hóa nghệ thuật liệu đã tương xứng? Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM, cho rằng cần nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí và có sự đầu tư tương xứng cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế thông thoáng để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tự do sáng tạo. Tác giả Hoàng Song Việt trăn trở trước thực trạng sân khấu truyền thống đang bị mất đi cả lớp khán giả lẫn nghệ sĩ kế thừa. Anh lý giải, hiện nay dù đang triển khai mô hình sân khấu học đường, sân khấu thiếu nhi nhưng chưa đủ sức lôi kéo, khiến họ yêu nghệ thuật truyền thống. Trong khi đó, với những bộ môn truyền thống như cải lương, hát bội, thế hệ kế cận đang báo động, nhất là khi các nghệ sĩ đang vướng vào câu chuyện bằng cấp trong biên chế. NSƯT Hữu Danh thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay không có lớp người trẻ theo nghề hát bội. Trong tương lai, việc một diễn viên phải đảm nhận cùng lúc 2-3 vai diễn là điều sẽ xảy ra và nếu không có giải pháp cấp thiết, hát bội sẽ thành hoài niệm. Sân khấu truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền cũng là những lo ngại của bà Lưu Kim Hoa, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa thì cho rằng có những lĩnh vực vấn đề bảo tồn đang nóng và cần sự quan tâm nhiều hơn: gìn giữ trong sáng tiếng Việt; xây dựng lối sống, nếp sống; văn hóa con người…
PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TPHCM, đặc biệt nhấn mạnh việc Việt Nam thành công trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua có nguyên nhân quan trọng bởi những tính cách tốt đẹp của người Việt Nam nói chung, người dân Nam bộ và TPHCM nói riêng đã được cố kết từ trong lịch sử, thích ứng và phát huy đúng thời điểm. Để văn hóa phát huy hết giá trị, theo ông cần xử lý, điều tiết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; nâng cao chất lượng quản lý các hoạt động văn hóa và xây dựng nhân tài ở các lĩnh vực khác nhau. Trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, xã hội, ông đặc biệt đề cao hạt nhân gia đình và cho rằng nếu thực hiện tốt thiết chế gia đình, vừa phát triển cá nhân, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời là điểm tựa vững chắc cho thành phố.
Theo đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, Thành ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, việc phối hợp với các sở, ngành để tạo cơ sở vật chất thuận lợi cho các hoạt động văn hóa đang được đẩy mạnh. Một số dự án trọng điểm của thành phố đã và đang thực hiện như: rạp xiếc đa năng, nhà hát giao hưởng, bảo tàng thành phố, hay mới đây nhất là đề án xây dựng trung tâm nghệ thuật biểu diễn. Các hoạt động văn hóa khi triển khai về các địa phương, đơn vị cũng được thực hiện theo những mô hình, cách làm sáng tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM là “thành phố văn hóa”, các sở ngành cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp trọng tâm, mang tính khả thi, tập trung vào vấn đề giáo dục gắn với xây dựng nền tảng văn hóa, giáo dục để phát triển toàn diện con người từ trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM nhằm bổ sung nhân lực cho xây dựng đô thị thông minh, cũng là góp phần phát triển bản sắc văn hóa TPHCM. Cùng với đó, có giải pháp thường xuyên, liên tục để giữ gìn và phát huy đậm nét những giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống, văn hóa gia đình, những phẩm chất đặc trưng của con người TPHCM trong bối cảnh xã hội hiện đại. Thành phố sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, đẩy mạnh cơ chế chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
------------------
* Dành tỷ lệ ngân sách cố định cho văn hóa
Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ trân trọng các ý kiến góp ý, trao đổi về đặc trưng, về thực trạng đời sống văn hóa của TPHCM cũng như những hiến kế, giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM - thành phố văn hóa. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, TPHCM là nơi hội tụ của nhiều giá trị văn hóa, vừa văn hóa sông nước Nam bộ, vừa văn hóa đô thị công nghiệp hóa đầu tiên của Việt Nam, vừa ảnh hưởng văn hóa nước ngoài. Người TPHCM là người của nhiều địa phương, dân tộc đến sinh sống, làm ăn nên văn hóa TPHCM là văn hóa chấp nhận sự đa dạng, không dị ứng cái lạ, cái mới mà chấp nhận, quan sát, nếu tốt thì học tập. Đó là yếu tố giúp cho TPHCM năng động, sáng tạo. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Nếu không quan tâm đầy đủ về văn hóa, nếu chỉ phát triển nghiêng về kinh tế thì có nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội, rối loạn xã hội”.
Từ đó, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi mở các giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng cần tăng cường quản lý văn hóa ở TPHCM và quận huyện; chỉ rõ làm được gì, chưa làm được gì. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) sắp tới, TPHCM sẽ có chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa gồm 10 đề án cụ thể.
Trong giáo dục văn hóa, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM cần nghiên cứu sâu, thiết kế chương trình giáo dục văn hóa dân tộc sớm cho học sinh; xem xét có tiêu chí trường học gắn với các hoạt động văn hóa, chăm sóc di tích quốc gia, thực hành nghệ thuật dân gian ngay trong trường học. Liên quan tới đào tạo, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi ý, với một đô thị đông dân như TPHCM, xứng đáng cần có trường phổ thông năng khiếu về văn hóa nghệ thuật dân gian, giúp các em học sinh vừa học, vừa được bồi dưỡng về nghệ thuật.
Với tinh thần xem văn hóa là nền tảng tinh thần cho phát triển xã hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM cần dành một tỷ lệ ngân sách cố định cho văn hóa như đã có định mức cố định ngân sách dành cho giáo dục, khoa học - công nghệ. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý cần có các chính sách của nhà nước để kích “cầu” văn hóa và hỗ trợ “cung” văn hóa, bởi nếu không quan tâm, để 2-3 thế hệ lỡ nhịp văn hóa, lỡ nhịp văn hóa gia đình thì rất khó trong việc củng cố những giá trị tốt đẹp và khó phát triển một cách bền vững.