Chung tay loại trừ bệnh ung thư

“Tôi đang và tôi sẽ hành động” (I am and I will) là chiến dịch dài hơi của Hiệp hội Phòng chống ung thư quốc tế nhằm kêu gọi thế giới chung tay hành động vì tương lai không có bệnh ung thư. Chiến dịch bắt đầu từ năm 2019 và sẽ kết thúc vào năm nay. Vì vậy, Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4-2 năm nay tiếp tục nhấn mạnh đến sức mạnh của sự hợp tác và hành động tập thể trong cuộc chiến chống căn bệnh tử thần.

Bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ hóa

Mỗi năm, thế giới có khoảng 9,6 triệu người chết vì bệnh ung thư. Tuy là bệnh không lây nhiễm nhưng ung thư lại là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 thế giới hiện nay.

Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, cứ 6 trường hợp tử vong thì có 1 người tử vong do ung thư. Ung thư phổi, vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, dạ dày, cổ tử cung là các loại ung thư phổ biến nhất hiện nay, nhưng ung thư gây tử vong cao nhất là phổi khi cướp đi tính mạng của khoảng 1,76 triệu người mỗi năm. Việc sử dụng thuốc lá được cho là nhân tố nguy hiểm nhất gây ung thư, đồng thời là “thủ phạm” gây ra khoảng 22% số ca tử vong vì căn bệnh này.

Chung tay loại trừ bệnh ung thư ảnh 1 Thế giới phải cùng hành động để đẩy lùi ung thư

Trước đây, ung thư thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng gần đây, căn bệnh quái ác này có xu hướng trẻ hóa khi trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Không giống như ung thư ở người trưởng thành, phần lớn ung thư ở trẻ em không có nguyên nhân rõ ràng. Ước tính, khoảng 300.000 trẻ em và thiếu niên ở độ tuổi 0 - 19 mắc ung thư mỗi năm, trong đó chủ yếu là ung thư máu, u não ác tính… 

Hệ lụy của tình trạng bất bình đẳng

Các chuyên gia cho rằng, nếu không hành động kịp thời, sau 1 thập niên nữa, số người tử vong vì ung thư trên toàn cầu mỗi năm sẽ tăng lên 13 triệu người. WHO chỉ rõ, có thể ngăn ngừa được khoảng 30% - 50% ca tử vong vì ung thư bằng cách thay đổi, hoặc tránh những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh, đồng thời thực hiện những chiến lược phòng ngừa phù hợp bên cạnh việc phát hiện và điều trị sớm. Qua đó giảm bớt gánh nặng về tài chính và căng thẳng cho người bệnh, giúp tiết kiệm chi phí cho căn bệnh này ước tính lên tới 1.160 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu. 

Một trong những chiến lược mà WHO triển khai là loại bỏ ung thư cổ tử cung, được mệnh danh là “sát thủ” hàng đầu đối với phụ nữ - căn bệnh ung thư duy nhất có thể phòng ngừa được bằng vaccine và cũng là bệnh ung thư duy nhất có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, các nước trên thế giới phải đảm bảo ít nhất 90% các bé gái được tiêm đầy đủ vaccine ngừa ung thư cổ tử cung trước 15 tuổi, nhằm cứu sống hàng triệu người vào năm 2050.

Còn ở trẻ em, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số bệnh nhiễm trùng mãn tính do virus hay vi khuẩn gây ra là yếu tố gây ung thư ở trẻ em, hoặc có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khi trưởng thành.

Tại các nước thu nhập cao, hơn 80% trẻ em mắc ung thư được chữa khỏi bệnh, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp và trung bình chỉ bằng 1/4 do hệ thống y tế còn lạc hậu, chưa đủ khả năng để chẩn đoán chính xác hay bệnh nhân không đủ điều kiện để tiếp cận các loại thuốc, công nghệ thiết yếu, cũng như liệu pháp điều trị.

Khoảng 70% số trường hợp tử vong vì ung thư vẫn xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình - hệ lụy của tình trạng bất bình đẳng mà ông Ren Minghui, Trợ lý Tổng giám đốc WHO, cho là không thể chấp nhận được giữa các chương trình chống ung thư tại những nước giàu và nghèo. Do đó, nếu muốn giải quyết gánh nặng bệnh, chung tay hành động ở cấp độ toàn cầu là giải pháp trong cuộc chiến chống bệnh ung thư.

Báo cáo của Viện K công bố ngày 19-1 cho biết, năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh.

Tin cùng chuyên mục