Cảm hứng từ Hiệp ước nhựa Toàn cầu
Hiệp ước nhựa Toàn cầu được đánh giá là một thỏa thuận quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa biển. Hiệp ước mang tính bước ngoặt này là thỏa thuận môi trường quan trọng nhất - sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Dự kiến thời gian xây dựng hiệp ước là từ nay đến cuối năm 2024, bao gồm giải quyết các chi tiết về tài trợ và hợp tác.
Theo Ngân hàng Thế giới, điều này thể hiện rõ ở Đông Nam Á, nơi 6 trong số 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã “sản xuất” ra hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm. Phần lớn trong số này thải tập trung ở các tuyến đường thủy và đường biển, vốn có tính kết nối cao trong khu vực.
An ủi thay, khu vực trên đã dần hình thành một hệ sinh thái sôi động, gồm những cá nhân và tổ chức với những ý tưởng đổi mới, quyết tâm giải quyết vấn nạn này. Hiệp ước nhựa Toàn cầu mới ký kết cũng bắt đầu hỗ trợ những nỗ lực của họ nhiều hơn, không chỉ bảo tồn di sản thiên nhiên mà còn xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, bao trùm, tạo việc làm bền vững và trao quyền cho các nhóm yếu thế, đặc biệt là những người lao động thu gom chất thải không chính thức.
Khi cá nhân và tổ chức cùng phối hợp
Mạng lưới Ươm tạo ở Thái Lan đã cam kết giúp xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững khu vực mạnh mẽ hơn. Kể từ năm 2019, họ đã kết nối với nhiều bên liên quan, từ các công ty khởi nghiệp, doanh nhân và những người làm việc không chính thức cho đến các tổ chức học thuật, chính phủ và các tập đoàn lớn. Họ tin rằng, việc xây dựng kết nối, cung cấp khả năng tiếp cận với sự cố vấn và hỗ trợ kỹ thuật, cũng như liên kết các nhà đổi mới có ý tưởng tuyệt vời với các nhà đầu tư tiềm năng, có thể giúp thiết lập các giải pháp khu vực mạnh mẽ, nhanh hơn.
Học viện Tái chế và Quản lý Chất thải của Thái Lan là một tổ chức như vậy. Đây là nơi cung cấp đào tạo và cố vấn hàng tuần cho 11 công ty khởi nghiệp ở Thái Lan giai đoạn đầu, được hỗ trợ bởi Seedstars - tổ chức xây dựng công ty trực tuyến, có trụ sở tại Thụy Sĩ với các văn phòng tại nhiều nước trên thế giới và mới đây là ở Thái Lan. Tổ chức này đã cố vấn và nâng cao tay nghề cho các doanh nhân ở hơn 90 quốc gia. Hồi tháng 2 vừa qua, các doanh nhân đã giới thiệu các giải pháp của họ cho một hội đồng chuyên gia, từ máy tự động đổ chất thải nhựa đến phát triển quy trình tái chế nhựa sinh học... 4 ứng cử viên đã được chọn để phát triển cho giai đoạn tiếp theo, được hỗ trợ bởi Mạng lưới Ươm tạo và Seedstars.
Bên cạnh các tổ chức, những người làm công tác xử lý rác thải không chính thức hoặc thời vụ (như người bán hàng rong và người nhặt rác ở Thái Lan) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu gom rác thải nhựa dùng một lần. Chỉ riêng ở Thái Lan, nơi có hơn 30.000 doanh nghiệp được chính phủ mua lại nguyên vật liệu rác thải, có ít nhất hàng trăm ngàn người tham gia vào công việc này.
Lợi ích cá nhân và xã hội của việc trao quyền cho những người làm công tác xử lý rác thải không chính thức là rất đa dạng. Tại Ấn Độ, đối tác của dự án EcoSattva Environmental Solutions đã làm việc với các nữ công nhân xử lý rác thải không chính thức để bồi dưỡng các kỹ năng (như toán học cơ bản và lái xe), nhằm giúp nâng cao khả năng di chuyển và tạo thêm thu nhập. Điều này không chỉ giúp họ thu gom và bán chất thải hiệu quả hơn, mà còn cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản để đảm bảo công việc được trả lương cao hơn và an toàn hơn.
Tham gia vào khu vực không chính thức có thể giúp những người đang tạo nên xương sống của hệ sinh thái nhựa tuần hoàn có thêm điều kiện làm việc tốt hơn, cải thiện thu nhập và hiệu quả, dẫn đến năng suất tái chế nhựa cao hơn.
Năm ngoái, tại Indonesia, Tổ chức Gia tốc Ngăn chặn nhựa Đại dương đã thực hiện một thử thách mang tính đổi mới. Theo đó, tổ chức này chọn ra 12 công ty khởi nghiệp từ khắp nơi trên thế giới để giúp giải quyết vấn đề phức tạp liên quan đến thu gom rác thải nhựa ở nước này. Chương trình đã dẫn đến việc hình thành 11 quan hệ đối tác, trong đó 6 người được chọn để mở rộng các giải pháp của họ, với sự hỗ trợ tổng cộng 45.000USD.
Tổ chức Gia tốc Ngăn chặn nhựa Đại dương đưa ra một ví dụ điển hình về cách xây dựng một mạng lưới hợp tác toàn diện để ngăn chặn rò rỉ nhựa trên biển, bằng cách thu hút sự tham gia của các bên liên quan ở mọi cấp độ xã hội, từ các nhà hoạch định chính sách đến những người làm công tác xử lý rác thải không chính thức.
Ngoài những lợi ích lâu dài về môi trường, giảm ô nhiễm nhựa có thể giúp trao quyền cho con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, thành lập các doanh nghiệp mới và tạo ra các công việc xanh cần thiết để giải quyết vấn đề này. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, 75% giá trị nguyên liệu của nhựa, tức khoảng 6 tỷ USD mỗi năm, bị mất đi. Hãy tưởng tượng giá trị này sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực khi sản xuất hơn 30 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm. Dẫu vậy, những thách thức ở Đông Nam Á vẫn còn rất lớn. |