Đó là khẳng định của ông Maikel Kuijpers, Tổng giám đốc Công ty Zuellig Pharma Việt Nam, trong buổi trao đổi với phóng viên Báo SGGP về quá trình doanh nghiệp đã đồng hành cùng Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng suốt 8 năm liền. Bên cạnh đó đơn vị cũng nêu ý kiến đóng góp nhằm giúp quỹ ngày càng phát triển bền vững…
- PV: Xin ông cho biết đôi nét về quá trình Zuellig Pharma tham gia xây dựng Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng?
>> Ông Maikel Kuijpers: Zuellig Pharma đã đồng hành cùng Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng từ năm 2003 đến nay. Với mức kinh phí hơn 600 triệu đồng đã đóng góp trong suốt 8 năm qua, chúng tôi vinh dự được chung tay góp sức cùng ngành y tế Việt Nam giúp đỡ các thế hệ thầy thuốc trẻ tương lai. Và trên thực tế đã có rất nhiều sinh viên ngành y sau khi tốt nghiệp rời trường đã trở thành những bác sĩ hoặc điều dưỡng đầy năng lực.
- Mục đích của Zuellig Pharma khi quyết định tài trợ cho Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng và ý nghĩa của việc làm này là gì, thưa ông?
Ngoài việc cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách cung cấp những dịch vụ chất lượng cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Zuellig Pharma còn tự hào là người bạn đồng hành gắn bó với các ban ngành, đoàn thể Việt Nam nói chung và TPHCM trong đó có Báo SGGP nói riêng để cùng chung tay trợ giúp những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội. Chúng tôi tin tưởng rằng thành công của Zuellig Pharma bao gồm cả những đóng góp tích cực của Công ty cho cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động.
Thông qua Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, Zuellig Pharma có thể tiếp sức cho các sinh viên nghèo hiếu học tại Trường Đại học Y Dược cũng như các cán bộ y tế, các bác sĩ trẻ, nữ hộ sinh thôn bản khu vực vùng cao trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam ở những vùng sâu, vùng xa.
- Ông có thể nói cảm nghĩ về chương trình xã hội ý nghĩa này?
Học bổng là một sáng kiến mang giá trị nhân văn cao cả, thiết thực của vị cố Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Việc duy trì sự tồn tại và phát triển của quỹ thông qua công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức chương trình… trong điều kiện kinh tế đang diễn ra nhiều biến động là một cố gắng đáng ghi nhận của Báo SGGP. Thực tế cho thấy rằng suốt từ khi thành lập đến nay, nguồn quỹ này đã và đang huy hiệu quả tốt. Chúng tôi cũng tự hào khi góp phần để ngày càng có nhiều sinh viên y khoa và các chuyên viên y tế nhận được nhiều hỗ trợ cần thiết.
Cũng như các thành viên sáng lập quỹ, chúng tôi mong quỹ học bổng đầy ý nghĩa này sẽ tiếp tục phát triển để có thể tiếp sức cho nhiều sinh viên và cán bộ y tế hơn trong những năm tới.
* Ra đời từ ý nguyện của cố Bộ trưởng Bộ Y tế - Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, đến nay trải qua 13 năm hình thành và phát triển (1999-2011) quỹ đã tiếp nhận gần 3 tỷ đồng đóng góp của các đơn vị doanh nghiệp ngành dược, bệnh viện tại TPHCM cùng các mạnh thường quân khác. Tính đến nay hơn 700 suất học bổng được trao cho sinh viên, học sinh trung học ngành y, bác sĩ trẻ vùng sâu vùng xa và các nữ hộ sinh thôn bản. Dự kiến lễ trao học bổng lần thứ 13 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6-2011 với trên 80 suất học bổng trị giá hơn 300 triệu đồng cho học sinh, sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược TPHCM và tặng 30 triệu đồng hỗ trợ các nữ hộ sinh thôn bản. * “Để phát triển quỹ, cần tạo thêm điều kiện quảng bá đến các mạnh thường quân tiềm năng một cách trực tiếp. Để làm được điều này đòi hỏi phải củng cố nhân lực; có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng và cấp kinh phí cụ thể cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động. Muốn thu hút thêm nguồn tài lực trước tiên chúng ta nên bám sát các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh ngành dược hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sau đó mở rộng đến các tổ chức, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác. Bên cạnh đó, nên xây dựng một trang chuyên đề về quỹ trong website của SGGP online, nội dung bao gồm tiểu sử của cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng với tâm huyết và hoàn cảnh ra đời của quỹ, hình ảnh hoạt động, danh sách và chân dung các sinh viên, bác sĩ và điều dưỡng đã dành được học bổng, danh sách mạnh thường quân trong từng năm qua... để mọi người có thể cập nhật thông tin về Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng khi cần”. |
Mai Nguyễn