Mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam
(SGGPO). - Ngày 10-8, tại Hà Nội, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã mít tinh trọng thể kỷ niệm 55 thảm họa da cam tại Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2016). Tới dự buổi lễ mít tinh có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; ông Phạm Thế Duyệt- nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thượng tướng Nguyên Văn Rinh- Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đại diện các bộ, ngành chức năng và nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Trong diễn văn tại lễ mít tinh, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nêu rõ, cách đây 55 năm, ngày 10-8-1961, Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành phi vụ đầu tiên rải cái gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Do đó, ngày 10-8 hằng năm đã trở thành Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh, những năm qua, công cuộc khắc phục thảm họa da cam ở Việt Nam đã được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam đã đi vào cuộc sống. Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động được đông đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, hưởng ứng. Cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, dư luận quốc tế và dư luận Mỹ. Đồng thời tăng thêm sức mạnh của phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ và chia sẻ những khó khăn, vất vả và đau đớn do bệnh tật trong cuộc sống mà hàng triệu nạn nhân da cam Việt Nam đang phải gánh chịu. “Hơn nửa thế kỷ qua, dân tộc ta phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Khổ đau, bệnh tật, nghèo túng đã và đang hiện hữu trong mỗi gia đình nạn nhân chất độc da cam. Có thể nói, không có nỗi đau nào hơn nỗi đau da cam.”- Chủ tịch nước bày tỏ.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới vấn đề da cam, xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, cũng như là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời nhấn mạnh trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách, chế độ chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, triển khai nhiều dự án xử lý môi trường do chất độc da cam gây ra. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, kiều bào ta ở nước ngoài và đặc biệt là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam, làm sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tô thắm truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc khắc phục hậu quả chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là một vấn đề có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học. Tuy nhiên công việc này đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức, tiền của và rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội, cũng như sự chỉ đạo thống nhất chặt chẽ từ trung ương tới địa phương. Để làm tốt được công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam, Chủ tịch nước chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về chế độ chính sách, chế độ với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con cháu của họ; Tiếp tục cuộc vận động đấu tranh phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết hậu quả của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng yêu cầu Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân các nước trên thế giới thấy rõ thảm họa da cam ở Việt Nam. Tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tăng cường vận động các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức từ thiện-nhân đạo, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc da cam, đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, cùng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam.
Đáng chú ý, nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ, với tinh thần “lắng nghe và hành động”, có các tuyên bố, cam kết mạnh mẽ hơn về tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học; tiếp tục phối hợp với Việt Nam triển khai các dự án tẩy độc và phục hồi môi trường ở các điểm nóng; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học về vấn đề chất độc da cam/dioxin; đặc biệt là hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam và trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Đồng thời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục cuộc đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, cùng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam
Cũng tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
| |
KHÁNH NGUYỄN
Các tin, bài viết khác
- Người lao động được đóng BHXH “khủng”
- 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam - Tận cùng của nỗi đau
- Không để tội phạm hoành hành mà không bị xử lý
- Người nhà bệnh nhân muốn “biếu” gà và rượu Bộ trưởng Y tế
- 8 cá nhân được đề nghị trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2016
- Tội phạm ma túy tại quận 8 vẫn phức tạp
- 10 ngày mất hơn 7.000 tỷ đồng vì mưa bão
- Gần 1.000 người đạp xe vì nạn nhân chất độc da cam
- Hồn thiêng từ những con tàu không số
- Trên áo con cài hoa hồng trắng