LTS: Như Báo SGGP đã thông tin, Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ ngành và địa phương trong cả nước về kết quả 10 năm Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và thảo luận phương hướng nhiệm vụ thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí đã có bài phát biểu về vai trò và tác động của cải cách hành chính (CCHC) trong phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM những năm qua. Báo SGGP xin trích bài phát biểu này.
- Hiện đại hóa quy trình
TPHCM là một đô thị lớn nhất nước với dân số trên 10 triệu người. Hiện TP có quy mô hơn 100.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 300.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và DN, lãnh đạo TP luôn coi công tác CCHC vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; góp phần phòng ngừa và hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy chính quyền các cấp.
| |
Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, TP đã chọn năm 2006, 2007 là “Năm cải cách hành chính” để triển khai các nội dung CCHC.
Trong đó, tập trung vào CCHC về thể chế, về thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; về tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
Nhiều mô hình và cách làm sáng tạo gắn với đặc thù của một đô thị kinh tế lớn nhất nước đã được lãnh đạo TP chủ động đề xuất với Trung ương và Chính phủ thực hiện thí điểm trong từng thời điểm, qua đó từng bước rút kinh nghiệm, thể chế hóa ứng dụng rộng rãi trên cả nước.
Đó là cơ chế về phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực hành chính nhà nước; cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC về xây dựng, nhà đất, thành lập DN...; cơ chế khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước và triển khai một số mô hình tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn tại các sở ngành, quận huyện.
Tất cả đều hướng đến mục tiêu đơn giản hóa tối đa TTHC, phục vụ tốt nhất yêu cầu của người dân và DN.
- Tăng cường đối thoại
Thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm cùng DN, lắng nghe và giải quyết các vấn đề bức xúc từ thực tế nảy sinh, trong nhiều năm qua HĐND và UBND TP đã đề ra Chương trình Nói và làm, Đối thoại của chính quyền TP với DN… Đây được xem là kênh thông tin quan trọng để chính quyền TP lắng nghe, tìm hiểu thực tế những chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển, về sản xuất, kinh doanh đến với DN ra sao để từ đó cùng tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Mặt khác, những phản ánh của người dân và DN thông qua hình thức đối thoại trực tiếp này còn giúp lãnh đạo TP trong từng thời điểm định hình và đề ra các quyết sách kịp thời, đúng đắn để khai thông nguồn lực cho phát triển, tạo sự thông thoáng trong các TTHC.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các sở ngành và quận huyện theo quy trình kết nối liên thông đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền TP. Trong đó, mô hình “một cửa điện tử” đã giúp cho người dân có thể tra cứu mọi thông tin về tình trạng hồ sơ hành chính trên các lĩnh vực nhà đất, xây dựng, đăng ký kinh doanh…
Ngoài ra, tại các sở ngành và quận huyện còn thiết lập các website giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công bố quy trình, TTHC để người dân tra cứu về trình tự giải quyết hồ sơ của mình theo biên nhận hoặc theo mã vạch. Quá trình ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại này được các sở ngành và quận huyện gắn với việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong quản lý hành chính và phục vụ người dân.
Bên cạnh những mặt tích cực mà tiến trình CCHC mang lại, trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách mới cần nỗ lực để vượt qua. Đó là hạ tầng đô thị quá tải, tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; chất lượng nguồn nhân lực, năng lực lãnh đạo điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức, TTHC… vẫn còn nhiều bất cập, một phần nào đã làm cản trở đến quá trình phát triển của TP những năm tới. Đây cũng là những vấn đề lớn mà lãnh đạo TP xác định ưu tiên trong các giải pháp thực hiện của Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX với 6 chương trình đột phá, trong đó có Chương CCHC theo mô hình chính quyền đô thị với mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
LÊ MINH TRÍ
(Phó Chủ tịch UBND TPHCM)