Chương trình đảm bảo ATGT 2011 ở TPHCM - Ba mũi giáp công

Chương trình đảm bảo ATGT 2011 ở TPHCM - Ba mũi giáp công

Mục tiêu đặt ra trong việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM trong năm 2011 là phải kéo giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương so với năm 2010. Nhưng làm thế nào để đạt được cả 3 mục tiêu đó?

Nhìn lại để hướng tới

Mặc dù nếu so sánh với năm trước đó, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn TP trong năm 2010 đúng là có giảm về cả 3 chỉ tiêu số vụ, số người chết và số người bị thương, thế nhưng thực tế mức giảm còn thấp, chỉ chưa đầy 6%, đồng nghĩa tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Thống kê của ngành chức năng cho thấy trong năm ngoái, địa bàn TP đã xảy ra 1.097 vụ tai nạn giao thông, làm chết 890 người và làm bị thương 469 người khác. Hầu hết tai nạn giao thông đều xảy ra trên đường bộ, với 1.071/1.097 vụ, chỉ có 4 vụ liên quan đến đường sắt và 22 vụ tai nạn giao thông đường thủy.

Một vụ tai nạn giao thông trên xa lộ Hà Nội sáng 25-3. Ảnh: Thành Tâm

Một vụ tai nạn giao thông trên xa lộ Hà Nội sáng 25-3. Ảnh: Thành Tâm

Năm qua, toàn TP đã xảy ra 54 vụ ùn tắc giao thông có thời gian kéo dài trên 30 phút. Trong khi đó, tuy không xảy ra tình trạng đua xe trái phép nhưng vào những đêm cuối tuần hoặc các ngày lễ vẫn còn hiện tượng nhiều tốp thanh thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy chạy thành đoàn, lưu thông dàn hàng ngang trên đường, lạng lách đánh võng,… gây mất trật tự trên một số tuyến đường, thậm chí những tốp xe này có khi đông đến hàng trăm xe, cá biệt lên tới cả ngàn xe!

Có hàng loạt nguyên nhân đã được cơ quan chức năng nhận diện. Nổi cộm trong các nguyên nhân đó chính là sự thiếu hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Bởi vì như nhận xét của Ban ATGT TPHCM, dù gần đây đã có chuyển biến cả về hình thức lẫn nội dung, song nhìn chung công tác tuyên truyền vẫn chưa… “tới”, do vậy chưa phát huy hết hiệu quả như mong muốn. Sự chưa “tới” ấy bao gồm tình trạng một số đơn vị, địa phương chưa có kế hoạch hoặc thực hiện công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, không thường xuyên, nội dung chưa đến được với người dân. Thậm chí Ban ATGT TPHCM còn phải kêu lên rằng số lượng người dân được trực tiếp tuyên truyền vẫn còn quá thấp so với dân số của TP, tức là tỉ lệ người được trực tiếp tuyên truyền về ATGT vẫn còn quá ít ỏi, khiêm nhường.

Nguyên nhân đáng chú ý khác, là có những quy định rất khó thực hiện, điển hình là Điều 12 Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Điều khoản này quy định xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, thế nhưng trong quá trình xử lý, cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn bởi vì phần lớn khách bộ hành không mang theo CMND hoặc giấy tờ tùy thân hoặc người vi phạm không có tiền đóng phạt hoặc người vi phạm bỏ chạy, không hợp tác…

Ngoài ra còn có nguyên nhân: quy định chế tài không đủ sức răn đe. Trong các vụ việc thanh thiếu niên đi mô tô, xe máy tụ tập thành nhóm, gây mất trật tự công cộng về đêm mặc dù vẫn còn phức tạp, nhưng công tác phòng chống đua xe chưa phát huy hiệu quả mong muốn do không quy định áp dụng tạm giữ phương tiện của đối tượng tụ tập, lưu thông lạng lách, đánh võng…

Giáp công 3 mũi

Theo dự thảo kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT năm 2011 của chính quyền TP, mục tiêu là phải kéo giảm cả 3 chỉ tiêu liên quan đến tai nạn giao thông - số vụ việc, số người chết và số người bị thương- trong đó phải phấn đấu giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông và kéo giảm ùn tắc giao thông đến mức thấp nhất so với năm 2010. Dự thảo nêu các biện pháp thực hiện tập trung vào 3 mũi nhọn: đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường kiểm tra xử phạt (vi phạm) và chấn chỉnh, phát triển cơ sở hạ tầng; đồng thời khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng.

Một trong những yếu kém đáng chú ý suốt thời gian qua là khâu tuyên truyền về trật tự ATGT của ngành chức năng chưa đúng mức, chưa đạt yêu cầu đặt ra. Do đó, dự thảo kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT năm 2011 đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên truyền. Dự thảo yêu cầu các lực lượng chức năng như Ban ATGT TP, các sở chuyên ngành cần phối hợp với UBMTTQ TPHCM nghiên cứu sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đồng thời cần biên tập nội dung tuyên truyền sao cho dễ hiểu dễ nhớ để đảm bảo tuyên truyền sâu rộng đến từng đối tượng khác nhau. Trong khi đó nhiệm vụ của ngành giáo dục là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT trong học sinh - sinh viên, từng bước tạo chuyển biến về ý thức tự giác cho thế hệ trẻ trong những năm tiếp theo.

Đối với mũi nhọn thứ hai, cơ quan chức năng được yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vốn là nguyên nhân gây mất trật tự ATGT đô thị như vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều đường hoặc đi vào đường cấm, điều khiển mô tô lạng lách đánh võng, đua xe trái phép hoặc tụ tập cổ vũ đua xe trái phép… Tương tự là các hành vi vi phạm liên quan đến tốc độ lưu thông, nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm các quy định về quản lý vận tải hành khách đường bộ…

Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chủ động phát hiện và kịp thời khắc phục các điểm đen; khảo sát và thực hiện việc tách làn lưu thông các loại xe cơ giới trên những tuyến đường đủ điều kiện. Đối với giao thông thủy, vấn đề ưu tiên là tổ chức điều tiết giao thông kịp thời tại những đoạn/tuyến sông thường xảy ra ùn tắc phương tiện; tổ chức tốt công tác phòng chống va trôi trong mùa mưa bão; phát hiện kịp thời các bến thủy mở “lậu” hoặc khai thác vật liệu xây dựng trái phép…

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục