Trả lời báo chí nhân dịp đầu năm, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tuyên bố: “Chỉ thị 14 sẽ trở thành “Chương trình hành động” của LĐBĐVN…”. Với chỉ thị 14 ấy, VFF đang đứng trước hàng loạt việc phải làm ngay trong đó mạnh mẽ nhất là làm sạch bộ máy của chính mình và của môi trường bóng đá.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ phát biểu tại hội nghị BCH LĐBĐVN.
Ông Hỷ cho biết VFF đang chủ động với những bước đi cần thiết để làm trong sạch bóng đá nước nhà cũng như đưa vị thế bóng đá Việt Nam phát triển lên tầm cao mới với chiến lược 15 năm, từ 2006 đến 2020...
Cái chỉ thị gồm toàn những việc cần làm ngay được ban hành trong thời điểm bóng đá nước nhà đụng đến đâu cũng vỡ ra những mảng tối từ trọng tài các quan chức đội bóng xuống đến cầu thủ… Chỉ thị ấy giống như một chiến dịch phát động từ phía Ủy ban dù nó ra đời quá muộn, nhưng rõ ràng là có còn hơn không.
Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 14 là VFF cần phải kiện toàn, tổ chức lại nhân sự. Cái nhân sự mà VFF đang tự đào thải qua những cuộc thanh lọc bắt buộc khi cơ quan điều tra nhúng tay vào làm cái việc mà hàng chục năm nay bóng đá Việt Nam bất lực với những thứ lệ làng. Cái lệ mà bộ máy bóng đá Việt Nam chấp nhận theo kiểu… sống chung với lũ và thậm chí là có lúc bất chấp dư luận.
Có một vấn đề mà ông Chủ tịch nhấn mạnh đó là hầu hết những tiêu cực mà bộ máy VFF khóa 5 đang giải quyết hầu hết là những gì tồn đọng của khóa trước mà điểm rơi nó dồn vào khóa 5 mới hình thành và bùng phát dữ dội qua sự nhận diện và làm mạnh của cơ quan điều tra.
Điểm nhấn mà khóa 5 thực hiện chính là phối hợp với Ban tổ chức giải V-League và hạng Nhất đẩy hết “hồ sơ” của trọng tài Lương Trung Việt qua phía cơ quan điều tra thụ lý và triển khai thành một vụ án lớn dắt dây đến hàng loạt những nhân vật gạo cội của bóng đá Việt Nam như một hiệu ứng domino. Cái mà chính VFF lâu nay vẫn thường lớn tiếng rằng chứng cứ đâu thì bây giờ chính VFF lại đang đối diện với những chứng cứ được phơi dần ra khi cơ quan điều tra lần đến.
Và cũng bắt đầu từ sự vỡ lở ấy, Ủy ban mới vào cuộc qua chỉ thị 14 giống một dạng nhân dịp vỡ ra rồi thì cùng nhau làm sạch và làm ngay. Đấy được xem là một hình thức phản ứng nhanh mà chỉ thị 14 có tác dụng tức thời như một dạng bật đèn xanh để VFF làm. Điều mà lâu nay những cán bộ ở Ủy ban và ở VFF rất ngại đụng đến những khối u tiềm tàng trong bóng đá được hình thành qua nhiều triều đại.
Ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ không có ý đổ tội cho những khóa trước bởi ông là người của Ủy ban TDTT nên ông thừa hiểu khi mà chưa có một hành lang và một chỉ thị rõ ràng cùng với sự quan tâm xuyên suốt thì những người làm bóng đá Việt Nam khó có điều kiện làm mới.
Lẽ ra thì bóng đá Việt Nam đã phải làm mạnh từ rất lâu rồi chứ không cần đợi đến những vụ án và những sự cố đổ bể ra làm mất lòng tin người hâm mộ. Chẳng hạn như sự cố JVC Cup năm 2003 nếu làm như chỉ thị 14 đã bật đèn xanh thì bóng đá Việt Nam đã giúp cho rất nhiều người thoát khỏi cảnh tù tội. Hoặc vụ xử lý quà biếu 200 USD mùa 2003 nếu những người có trách nhiệm làm đúng với trách nhiệm của mình thì chắc chắn những trọng tài như Trần Đại (nhận 200 USD mùa 2003) đã không lậm sang đến việc nhận tiền bồi dưỡng của trọng tài Lê Văn Tú ở mùa 2005 và bị treo vĩnh viễn.
Bóng đá Việt Nam đã mất rất nhiều từ việc ai cũng thấy nhưng làm thì thiếu chủ trương.
Bây giờ thì chủ trương làm mạnh và làm sạch đã được Ủy ban ra tín hiệu qua Chỉ thị 14. Không còn lý do gì để VFF khóa 5 rụt rè. Điều ấy đã được chính ông Chủ tịch VFF khóa 5 khẳng định.
Hy vọng cái chương trình hành động ấy sẽ bắt đầu bằng chương trình lấy lại niềm tin đã mất nơi người hâm mộ. Muộn, quá muộn nhưng rõ là có còn hơn không.
NGUYỄN NGUYÊN