Từ lúc thành lập đến nay, năm nào cũng vậy, khi hè vừa chớm sang cũng là lúc Báo SGGP lại tất bật khởi động chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng, một chương trình đã trở thành truyền thống suốt 15 năm qua với đầy đủ ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Qua 15 năm hình thành và phát triển, học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã chắp cánh tương lai hàng trăm y, bác sĩ trẻ với nguyện ước trở thành người thầy thuốc tài đức. Chặng đường 15 năm tuy không quá dài nhưng với những thành quả đã đạt được, học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã và đang tiếp tục khẳng định hiệu quả xã hội to lớn mà mình mang lại...
Thành quả đáng trân trọng
Nhớ lại thời gian đầu khi mới thành lập quỹ, trong các năm từ 1998 đến 2003, qua 5 lần tổ chức, số suất học bổng chỉ giới hạn ở mức 30-40 suất. Thành phần được nhận học bổng chỉ gồm sinh viên Đại học Y Dược, Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TPHCM (tiền thân Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sau này) và các y, bác sĩ trẻ vùng sâu, vùng xa. Bước sang lần trao học bổng thứ 8 (2006) số suất học bổng bắt đầu được nâng lên con số 50-60 suất; đối tượng thụ hưởng học bổng mở rộng sang cả học sinh trung học ngành y và các nữ hộ sinh vùng cao trong chương trình “cô đỡ thôn bản” do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức. Trị giá học bổng cũng tăng dần từ 1-2 triệu đồng/suất lên 3-5 triệu đồng/suất.
Bước phát triển nhảy vọt của quỹ học bổng có thể thấy rõ nét nhất tại lễ trao học bổng lần thứ 13 và14. Cụ thể, tại lễ trao học bổng lần thứ 13 (2011), Hội đồng quản lý quỹ đã trao 80 suất học bổng với trị giá hơn 300 triệu đồng.
Tại lần trao học bổng thứ 14 (2012) tăng lên 100 suất với tổng trị giá 570 triệu đồng. Tại lần trao học bổng lần thứ 15 (2013) này, Hội đồng quản lý quỹ dự kiến trị giá học bổng vẫn ở mức trên dưới 500 triệu đồng. Liên tục trong 15 năm qua, quỹ đã trao hơn 800 suất học bổng cho sinh viên, học sinh và các bác sĩ tình nguyện phục vụ tại các vùng sâu, vùng xa của Trường Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và lớp đào tạo nữ hộ sinh thôn bản của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.
Tổng giá trị học bổng đã trao hơn 2 tỷ đồng. Từ số tiền tâm huyết 40 triệu đồng mà cố bộ trưởng, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng trao tặng ban đầu, đến nay số tiền do các mạnh thường quân đóng góp đã lên con số hàng tỷ đồng. Điều này cho thấy, nỗ lực không ngừng với phương châm tất cả vì sự phát triển quỹ học bổng nhân văn này của Báo SGGP và tất cả các thành viên Hội đồng quản lý quỹ.
Tri ân những tấm lòng
Có được sự lớn mạnh cả về chất và lượng của quỹ học bổng như ngày hôm nay, trước hết phải ghi nhận công lao của các thành viên Hội đồng quản lý quỹ. Trên cương vị nhà tổ chức, thành viên thường trực hội đồng, suốt từ năm đầu thành lập đến nay, Báo SGGP đã luôn quan tâm đến công tác vận động, tuyên truyền gây quỹ thông qua các hình thức như: đăng tải các thông tin, bài viết liên quan đến chương trình học bổng, gửi thư ngỏ, tranh thủ các mối quan hệ với các đơn vị trong và ngoài ngành y để kêu gọi đóng góp ủng hộ quỹ; thường xuyên phối hợp cùng các đơn vị trực tiếp thụ hưởng là Đại học Y Dược, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức kiểm tra, rà soát nhằm nhanh chóng nắm bắt tình hình công tác của các y, bác sĩ trẻ, nữ hộ sinh thôn bản vùng sâu, vùng xa; tình hình học tập của học sinh, sinh viên ngành y để kịp thời lập đề xuất hỗ trợ bằng hình thức xét cấp học bổng, tài trợ dụng cụ, phương tiện làm việc.
Phát biểu tại lễ trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 14, đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo SGGP, khẳng định: “Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức nhiều chương trình xã hội hướng về cộng đồng nhằm thực hiện khát vọng: chia sẻ phần nào lo toan chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” cho những mảnh đời bất hạnh trên bước đường mưu sinh, lập nghiệp; chia sẻ gánh nặng học phí, chi phí sinh hoạt học tập hàng ngày cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong quãng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường... Học bổng Nguyễn Văn Hưởng ra đời nhằm thực hiện khát vọng cao đẹp đó”.
Góp phần cho sự “đơm hoa, kết trái” của quỹ học bổng còn có những tên tuổi lớn trong nền y học nước nhà như GS-VS Dương Quang Trung (Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ); GS-TSKH Nguyễn Khánh Dư; BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng; BS Phan Kim Phương; BS Trần Đông A; BS Nguyễn Hải Nam… Bằng tài đức, uy tín của mình, họ đã luôn là nhịp cầu kết nối những tấm lòng nhân ái sẵn sàng đóng góp công sức vì thế hệ thầy thuốc tương lai.
Đồng hành với sự phát triển và không ngừng lớn mạnh của quỹ học bổng không thể không nói đến công sức của các đơn vị, cá nhân đã có quá trình gắn bó lâu dài, không ngừng chung tay truyền lửa, tiếp sức cho đội ngũ thầy thuốc trẻ, tiêu biểu như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn; đặc biệt là Công ty Zuellig Pharma (nhà tài trợ chính của quỹ học bổng với hơn 700 triệu đồng đóng góp cho quỹ suốt 9 năm liền). Lớp lớp các thế hệ sinh viên ngành y sẽ mãi không quên tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của gia đình bà quả phụ Tạ Trung Quấc, bà Nguyễn Kim Sâm đã luôn dang rộng vòng tay nâng đỡ cũng như dành trọn tình cảm, sự tin tưởng và gửi gắm tất cả hy vọng vào những “blouse trắng”, thế hệ tương lai của nền y học Việt Nam.
Cuối cùng, nói đến học bổng Nguyễn Văn Hưởng với thành quả lớn lao đã giành được trên suốt chặng đường 15 xây dựng, phát triển chúng ta luôn nhớ đến cố Bộ trưởng Y tế, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, người thầy thuốc tài, đức vẹn toàn với tất cả lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc nhất. Tên tuổi ông sẽ sáng mãi cùng với quỹ học bổng mà ông là người đầu tiên đặt nền móng.
MAI NGUYỄN