Chút lắng lòng giữa phố

Chút lắng lòng giữa phố

Cuộc sống vẫn rộng mở và tràn đầy hy vọng với họ. Đúng hơn, chính họ đã tạo ra và làm chủ cuộc đời mình. Họ vẫn lao động, học tập để tự nuôi sống mình, để khám phá thế giới tươi đẹp. Họ dường như đã quên hẳn mình là những người khuyết tật để từng ngày trôi qua, họ vẫn mỉm cười với mọi người, dù quen hay lạ...

Chút lắng lòng giữa phố ảnh 1

Theo lời nhắn của một cô bạn qua messenger, tôi tìm đến quán cà phê mang cái tên ngắn và lạ: Lặng.

Quán nhỏ nằm trên đường Trần Huy Liệu – quận Phú Nhuận. Trông vẻ ngoài, “Lặng” không có gì nổi bật cả, chỉ khi bước chân vào, quán mới cho ta cảm giác êm dịu thật khác với cái ồn ào, tất bật của đường phố Sài Gòn.

Nhạc vừa đủ nghe, bàn ghế bằng chất liệu tre trúc giản dị và vài ba chiếc bàn “bệt” theo kiểu Nhật Bản có cắm hoa hồng, một bể cá nhỏ, ít bình gốm tự tay chủ quán sưu tập và bộ ảnh phóng lớn toàn chủ đề về tre.

Từng ấy có thể chưa làm nên nhiều khác biệt so với các quán cà phê khác. Điều đặc biệt ở đây là các nhân viên phục vụ đều là những người khiếm thính. Họ chỉ có thể “nghe” yêu cầu của bạn bằng mắt và “nói” với bạn bằng tay.

Đôi tay ra những ký hiệu cùng với nụ cười thân thiện, gần gũi đủ làm vơi đi những khoảng cách ngôn ngữ âm thanh ngăn trở, đủ cho ta hiểu và nói câu cảm ơn học lỏm theo cách của họ: đưa bàn tay lên miệng và khẽ cúi đầu…

Chủ quán, chàng trai thế hệ 8X năm nay vừa bước vào tuổi 26, được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin tại một trường của nước ngoài nhưng lại sớm có máu nghệ thuật và kinh doanh. Kinh doanh để chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ.

Người chủ quán đó tên Trần Lê Hoài Bảo. Anh tâm sự: “Đôi chân mình yếu, việc đi lại khó khăn nhưng có thể còn may mắn hơn các bạn ấy. Mình cảm thông với họ như chính mình đã được bạn bè yêu thương, chia sẻ…”. Và Bảo chậm rãi nói về những kế hoạch tiếp theo của mình với nhóm từ thiện “Những người bạn”, “Sài Gòn ve chai” và bao nhiêu dự định tốt đẹp khác, đôi mắt anh ánh lên niềm tin…

Những người đến với “Lặng” có thể do tình cờ hay qua bạn bè giới thiệu. Nhưng đã đến một lần thì trong lòng luôn tâm niệm sẽ trở lại lần thứ hai, thứ ba… rồi trở thành khách quen của quán lúc nào không biết.

Ba bạn Phong, Kiều, Trang coi việc mỗi ngày đón những người khách quen hay mới tới lần đầu là một niềm vui lớn vì các bạn được “nghe”, được “nói” thật nhiều. Có người vui tính cứ hỏi cách nói “anh yêu em” như thế nào.

Lúc ấy các nhân viên phục vụ sẽ vừa ngường ngượng lại vừa vui hướng dẫn cho khách. Đến với “Lặng”, bạn cũng đừng quên đọc những dòng cảm tưởng ghi trong cuốn sổ lưu niệm có tên “Ấm áp mùa xuân”. Ai đó đã ghi lại cảm nhận: “Nơi này giống như một gia đình vậy”.

Có khi là những lời nhắn nhủ đầy tin yêu: “Chúc cho những niềm vui, những nụ cười sẽ mãi mãi trên thế giới này”. Và trong cuốn sổ này còn “bắt gặp” những tâm trạng buồn chán, mệt mỏi, thất vọng được trút bỏ hoàn toàn sau khi nói chuyện và chứng kiến nghị lực, khát vọng vươn lên của những bạn trẻ kém may mắn.

Tôi biết Bảo và những “nhân viên đặc biệt” của mình đã cảm thấy rất ấm lòng và hạnh phúc vì không những được sẻ chia mà chính họ cũng đã thắp lên ngọn lửa tin yêu và hy vọng cho nhiều người.

TUÂN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục