Chuyện bản quyền sách thiếu nhi

Từ Đô-rê-mon đến Doreamon
Chuyện bản quyền sách thiếu nhi

Theo thông lệ hàng năm, dịp hè là thời điểm nóng nhất trong năm đối với các đơn vị kinh doanh sản phẩm cho thiếu nhi, nhất là sách. Năm nay, các đơn vị kinh doanh sách tấp nập tung ra nhiều ấn phẩm nhằm phục vụ khách hàng nhỏ tuổi. Đáng lưu ý, trong số đó có một số ấn phẩm được tái bản, nhưng dưới thời bản quyền, việc tái bản đã không còn đơn thuần là in lại.

Hai bộ sách thiếu nhi tái bản hè 2010 được chú ý do liên quan nhiều đến vấn đề bản quyền.

Hai bộ sách thiếu nhi tái bản hè 2010 được chú ý do liên quan nhiều đến vấn đề bản quyền.

Từ Đô-rê-mon đến Doreamon

Đê-rê-mon là nhân vật truyện tranh nổi tiếng nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Tác phẩm truyện tranh của họa sĩ Nhật Fujiko Fujio sáng tác từ năm 1969 đã trở thành một hiện tượng xuất bản khi được NXB Kim Đồng giới thiệu tại Việt Nam cuối năm 1992 với nhan đề Đô-rê-mon. Lúc đó, việc tôn trọng bản quyền còn chưa thực sự được quan tâm, phiên bản tại Việt Nam là bản được tham khảo từ bản tiếng Thái, cách đặt tên nhân vật, sắp xếp thứ tự xuất bản, biên tập nội dung đều do NXB tự làm mà không tham khảo qua bản gốc.

Không chỉ là một thành công lớn trong kinh doanh sách thời chưa bản quyền, với hơn 50 triệu bản Đô-rê-mon được bán, cuốn sách này còn ghi cả dấu ấn của mình trong lĩnh vực xuất bản trong vấn đề bản quyền.

Năm 1996, NXB Kim Đồng đã gặp trục trặc khi thương lượng mua bản quyền Đô-rê-mon từ NXB Nhật Shogankukan. Lúc đó, NXB Kim Đồng đã có một “chiêu” xuất sắc mà sau này giới thương lượng bản quyền còn nhắc mãi. Do không thể tính lại chuẩn xác số tiền sách lúc in chưa bản quyền, NXB Kim Đồng đã đề nghị với tác giả Fujiko Fujio chuyển số tiền bản quyền dự toán trong giai đoạn từ 1992-1996 vào “Quỹ học bổng Đô-rê-mon” dùng để hỗ trợ giáo dục, xây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi Việt Nam. Tác giả đã vui vẻ đồng ý và NXB Kim Đồng đã sở hữu bộ truyện tranh ăn khách nhất lịch sử VN từ trước đến nay, đồng thời thoát khỏi ám ảnh bồi thường bản quyền.

Dù có bản quyền nhưng do thói quen, các phiên bản sau này vẫn đi theo cùng một lối thể hiện như các phiên bản trước đó. 18 năm sau khi có mặt ở Việt Nam, hè năm 2010, trong lần tái bản mới nhất NXB Kim Đồng mới thật sự cho chú mèo máy trở lại với hình thái nguyên gốc của mình. Đô-rê-mon quen thuộc được trả lại đúng tên là Doreamon, các nhân vật khác cũng được trả về nguyên tác như Shizuka (Xuka), Jaian (Chaien), Suneo (Xêkô)… Tất nhiên, ban đầu bạn đọc sẽ khó làm quen với những tên mới này, nhưng với việc đưa lại đúng tên gốc, bạn đọc Việt Nam mới thật sự tiếp cận truyện như vốn có. Ngoài ra, việc dịch thuật cũng chỉnh sửa lại những sai sót của bản cũ vốn dịch theo bản tiếng Anh của Thái Lan trước đây.

Hết thời “Anh hùng bất đắc dĩ ”

Khác với truyện Doreamon, tác phẩm Bộ tứ TKKG  của nhà văn Stefan Wolf đến từ nước Đức có số phận khá kỳ lạ ở Việt Nam. Tác phẩm này cũng do NXB Kim Đồng giới thiệu lần đầu tiên năm 1994 và kéo dài đến năm 1996 với 70 tập với tên Tứ quái TKKG.

Bộ truyện thiếu nhi Tứ quái TKKG đã trở thành một trong những bộ truyện chữ ăn khách nhất lúc đó. Tuy nhiên, do đây là thời gian vấn đề bản quyền còn khá xa lạ, nhằm làm cho tác phẩm dễ xuất bản nên NXB đã phá hỏng gần như hoàn toàn tác phẩm gốc. Nhà văn Bùi Chí Vinh được phân công Việt hóa Bộ tứ TKKG bằng cách viết lại toàn bộ theo “phong cách Việt”, ông đã chỉnh sửa, cắt xén cũng như thêm thắt nhiều chi tiết, nhân vật không có trong truyện gốc. Kết quả, một trong 4 nhân vật chính (Peter Carsten với biệt danh Tarzan) được biến thành siêu nhân vật, chiếm vai trò tuyệt đối trong tứ quái, 3 nhân vật còn lại chỉ đóng vai trò phụ họa, mất đi hoàn toàn tầm ảnh hưởng trong truyện. Chính vì việc thay đổi thái quá này đã khiến nhiều bạn đọc trong nước nhầm lẫn về nội dung truyện khi trao đổi với bạn đọc nước ngoài trên các diễn đàn văn học.

Vì thế, khi Công ty TNHH Văn hóa Vàng Anh mua bản quyền và xuất bản chính thức Bộ tứ TKKG (NXB Thời Đại) đã tạo được sự chú ý lớn, vì lần này truyện sẽ được in theo nguyên tác. Các nhân vật trở về đúng nguyên mẫu của mình, sôi nổi, nhiệt tình, tốt bụng nhưng cũng có nhiều khuyết điểm của tuổi trẻ, không hoàn mỹ, tuyệt hảo đến xa lạ với bạn đọc nhỏ tuổi như ở lần xuất bản trước đây. Ngoài ra, sách tái bản cũng in theo thứ tự thời gian các tập như sách nguyên tác.

Có thể ghi nhận sách thiếu nhi xuất hiện trong mùa hè 2010 đa dạng cả về số lượng lẫn nội dung. Nhưng điểm ấn tượng nhất chính là sự tái bản của những bộ sách từng nổi tiếng theo đúng nguyên tác. Đây được xem là dấu son cho việc tôn trọng bản quyền, góp phần đem đến cho độc giả trong nước những tác phẩm chất lượng nhất của văn học thế giới.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục