Ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thời gian gần đây, những người lính Bộ đội Cụ Hồ còn thực hiện nhiều chuyến bay cứu người đầy ắp nghĩa tình, góp phần nối đảo xa gần với đất liền…
Một ngày cuối tháng 12-2014, chị Phạm Thị Thơm (32 tuổi, nhân viên Hải đội 512, Lữ đoàn 127 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) bị côn trùng độc hại đốt gây sốt cao, hạ đường huyết và ngất xỉu. Mặc dù chị Thơm được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng không thuyên giảm nên cấp trên ra lệnh Sư đoàn Không quân 370 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) lập tức điều một tổ bay của Trung đoàn Không quân 917 cất cánh khẩn cấp ra Phú Quốc để đưa chị Thơm về cứu chữa tại Bệnh viện Quân y 175 tại TPHCM. Sau nhiều giờ bay trên biển tổ máy bay đã đưa chị Thơm về đến sân bay Tân Sơn Nhất an toàn. Các cán bộ Sư đoàn Không quân 370 đã ra tận chân cầu thang đón bệnh nhân giao cho các y bác sĩ Bệnh viện 175 đưa về điều trị.
Trước tấm chân tình của các anh bộ đội, ông Phan Xuân Hợp là cha của chị Thơm, nghẹn ngào nói: “Tôi không sao nói hết tấm lòng biết ơn của gia đình đối với các anh bộ đội khi đã dành hẳn một chuyến bay đưa con tôi về đất liền để cứu sống…”. Nghe vậy, Thượng tá Ngô Vy Sơn, phi công lái chính chiếc máy bay trực thăng MI 171 số hiệu 8431 chỉ cười hiền: “Trong thời bình hay thời chiến thì nhiệm vụ cứu người luôn là trách nhiệm hàng đầu của bộ đội chúng tôi…”. Với tinh thần vì dân phục vụ, khi nghe tin dân gặp nạn, Sư đoàn Không quân 370 đã cử hẳn 4 thượng tá là những sĩ quan giỏi như: Ngô Vy Sơn, Nguyễn Danh Đoan, Đặng Xuân Niệm và Nguyễn Hữu Cần trực tiếp đều khiển chuyến bay biển cứu người an toàn và niềm vui lớn nhất của các anh là góp phần cứu sống được bệnh nhân.
Các cán bộ Sư đoàn Không quân 370 ra tận chân cầu thang đón bệnh nhân giao cho các y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 175 đưa về điều trị.
Công việc cứu người không dừng lại ở đó, để cứu sống bệnh nhân còn có những bàn tay vàng của các bác sĩ mặc áo lính như: thượng úy, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Toàn Trung, chuyên khoa tim mạch và nhân viên điều dưỡng Ngô Việt Hùng, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 175 thuộc Bộ Quốc phòng. Mỗi lần có bệnh nhân từ đảo xa đưa về, các anh đã hết lòng cứu chữa cho đến khi bệnh nhân xuất viện. Riêng trường hợp của chị Thơm khá đặc biệt, bản thân là công nhân phục vụ trong quân đội, là mẹ của 2 con nhỏ, sinh sống tại đảo Phú Quốc. Chồng chị là trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Khoa, là bộ đội công binh đang công tác tại đảo Trường Sa. Biết tin vợ bị bệnh, lúc đầu anh cũng hơi lo, sau nghe tin có các y bác sĩ tận tình cứu chữa, anh hoàn toàn yên tâm. Từ đảo xa, anh đã gọi điện về gửi lời cảm ơn tấm lòng của mọi người nơi đất liền.
Đây không phải là lần đầu tiên có những chuyến bay cấp cứu đầy ắp tình quân dân như trên, mà trước đó cũng đã nhiều chuyến bay như thế. Đến nay Sư đoàn Không quân 370 cùng Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện nhiều chuyến bay cấp cứu thành công nhiều bệnh nhân là những cán bộ chiến sĩ, ngư dân và người dân ở các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Thổ Chu, Phú Quốc… đưa về đất liền cứu chữa an toàn. Trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy (39 tuổi, ngư dân trên đảo Trường Sa Lớn) có thai sắp đến ngày sinh nhưng lại bị bệnh nặng, may nhờ các bác sĩ Bệnh viện 175 thực hiện thành công ca mổ nên đã cứu sống được cả mẹ lẫn con. Trường hợp bệnh nhân Ngô Văn Hải (ở đảo Trường Sa Lớn) bị bệnh lao nặng cũng đã được tổ bay của Trung đoàn 917 đưa về Bệnh viện 175 cấp cứu kịp thời. Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Mỹ (43 tuổi, ở đảo Trường Sa) bị đột quỵ liệt nửa người cũng được bộ đội đưa về đất liền cấp cứu thành công. Nặng nhất là bệnh nhân Nguyễn Quế bị hôn mê sâu, phù não, sốt cao cũng được máy bay chuyển từ đảo về đất liền cấp cứu. Chưa hết, có lần một tàu cá của tỉnh Tiền Giang bị nổ bình gas gây tai nạn trên biển, lập tức Sư đoàn Không quân 370 điều máy bay ra đưa các nạn nhân: Nguyễn Ngọc Hải, Lê Quốc Tuấn, Trương Văn Tuấn bị bỏng nặng về Bệnh viện 175 cấp cứu kịp thời. Mới đây vào đầu tháng 10-2014, bệnh nhân Lê Sơn Tùng (37 tuổi, công tác tại đảo Thổ Chu) bị nhiễm trùng nặng cũng được máy bay đưa về Bệnh viện 175 cấp cứu. Tiếp đó, bệnh nhân Lê Quang Minh (20 tuổi, ngư dân tỉnh Bình Định đang đánh bắt cá xa bờ ở quần đảo Trường Sa) bị bệnh viêm phổi nặng cũng được máy bay đưa về Bệnh viện 175 cấp cứu kịp thời.
Gặp những người vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ai cũng rưng rưng xúc động, khi chân thành nói lời cảm ơn sâu sắc nhất trước những tấm lòng nhân ái của người Bộ đội Cụ Hồ. Thiếu tướng, PGS-bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết: “Sắp tới, Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục phối hợp với Sư đoàn Không quân 370 thực hiện nhiều chuyến bay nghĩa tình như thế để góp phần nối đảo xa gần với đất liền. Thiết nghĩ, cuộc sống của quân dân trên các vùng biển đảo bình yên là điều kiện thuận lợi để đất liền phát triển mạnh nền kinh tế, an ninh quốc phòng…”.
MINH YẾN