Chuyển biến ý thức mua sắm hàng Việt

TPHCM là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đã triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả của cuộc vận động và những giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới là nội dung nổi bật trong cuộc trao đổi giữa PV Báo Sài Gòn Giải Phóng với đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

- PV: Kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP sau một năm rưỡi triển khai đến nay có thể đánh giá như thế nào, thưa phó chủ tịch?

Phó Chủ tịch UBND TP NGUYỄN THỊ HỒNG: TP đã sớm thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban chỉ đạo và là TP đầu tiên trong cả nước có Ban chỉ đạo. Ngày 31-3-2010, chương trình hành động của TP về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được UBND TP ban hành tại Quyết định số 1436/QĐ-UBND, với 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp được cụ thể hóa bằng các chương trình, phân công cho các đơn vị chủ trì hoặc phối hợp thực hiện. Đến nay, qua đánh giá có thể nêu lên một số kết quả như sau:

Tại TPHCM, trong năm 2010, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại nhiều siêu thị chiếm tỷ lệ 90% - 95%; hàng Việt tiêu thụ trong hệ thống Sài Gòn Co.op tăng thêm 55% so với năm 2009. Tỷ lệ sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước tại một số sở ngành, quận huyện so với năm 2009 như sau: Văn phòng UBND TP tăng 20,1%, Sở Xây dựng tăng 17,1%, Sở Khoa học và Công nghệ tăng 9,2%, quận 3 tăng 20%; quận 4 tăng 10%; quận 7 tăng 15,2%; quận Phú Nhuận tăng 10,2%...

Trong thẩm quyền cho phép, TP đã ban hành Quyết định 33 ngày 28-5-2011 về thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của TP với nhiều cơ chế, chính sách thực hiện nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, hiện đại hóa doanh nghiệp, giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng, giảm nhập siêu, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tạo sản phẩm Việt chất lượng cao có thể cạnh tranh với hàng ngoại. Đồng thời, có nhiều kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương và Bộ Tài chính đã có chính sách giãn nợ, giảm thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh nhà trọ, nhà trẻ cam kết không tăng giá; Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại đầu tư vốn cho lĩnh vực sản xuất.

TP cũng vừa ra mắt kênh giới thiệu hàng Việt trên HTV để phát triển thương hiệu, đảm bảo cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.

- Theo đồng chí, kết quả lớn nhất thu được qua cuộc vận động là gì?

- Theo đánh giá của các tầng lớp nhân dân, đây là chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân của Đảng ta. Với hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động liên tục, người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam nên đã có chuyển biến tích cực trong hành vi mua sắm và khuynh hướng chọn dùng hàng sản xuất trong nước thay cho hàng ngoại nhập ngày càng gia tăng.

Có thể nói, cuộc vận động đã mở ra “cơ hội vàng” để doanh nghiệp trong nước khẳng định vai trò, tạo uy tín thương hiệu. Các doanh nghiệp dần ý thức được trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước, do đó đã mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã ngày càng đa dạng; rà soát quy trình sản xuất, phương thức kinh doanh, tiết kiệm chi phí để có thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, từng bước hướng tới xuất khẩu. Song song đó, các doanh nghiệp trong nước tích cực xây dựng thương hiệu; phát triển kênh phân phối tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi.

- Việc triển khai cuộc vận động có tác động gì đến việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn TP?

- Cái đó thể hiện rất rõ. Nghị quyết 11 tập trung vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; vì nếu chúng ta giúp doanh nghiệp Việt vượt khó để ổn định, phát triển sản xuất thì sẽ tăng thêm việc làm, có điều kiện nâng cao thu nhập cho người lao động. Tạo ra nhiều sản phẩm hàng Việt, giúp giảm nhập siêu tức là đã góp phần giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. TP còn có chương trình mới của năm nay là sữa cho người già, cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, nhờ đó sản phẩm sữa ngoại nhập cũng giảm giá theo. Hay chương trình giá thuốc phục vụ bệnh nhân, qua đó giá nhập các mặt hàng thuốc chữa bệnh thiết yếu có xu hướng giảm, giảm nhập siêu.

VĂN PHONG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục