Chuyện HLV Riedl và trợ lý Mai Đức Chung “bất đồng” rốt cục đã rõ rành rành: “Chúng tôi tranh luận chuyên môn chứ không mâu thuẫn, bất đồng”. Vậy thì chuyện có chi mà dư luận lại chộn rộn như thế?
Ở SEA Games 23, ông Hải “lơ” thế chỗ HLV Nguyễn Thành Vinh làm trợ lý cho HLV Riedl với câu tuyên bố xanh rờn: “Lên tuyển làm trợ lý, tôi có phải… xách nước cũng chấp nhận!”. Ấy là ông Hải thể hiện cái máu, khát khao được cống hiến cho bóng đá Việt Nam trước một trận đánh lớn. Chỉ tiếc rằng phận “xách nước” của Hải “lơ” xem ra chưa trọn, bởi sau sự cố bán độ của đội U23 Việt Nam, dù có thông cảm cho Hải “lơ” và các đồng nghiệp đi chăng nữa thì cũng phải khẳng định, những trợ lý người Việt của ông Riedl khi ấy chưa làm hết trách nhiệm.
Bây giờ, ngay trước thềm SEA Games 24, lại thấy rục rịch chuyện ông Riedl và vị trợ lý cứng Mai Đức Chung bất đồng. Ông Riedl muốn Olympic Việt Nam đá với Olympic Nhật Bản bằng đội hình tinh nhuệ nhất trên sơ đồ 4-4-2 mà nhà cầm quân người Áo ưa thích. Ngược lại, ông Chung nhìn người Nhật với một sự thận trọng, biết mình biết người và muốn Olympic Việt Nam tận dụng cơ hội tiếp tục thử nghiệm. Vậy là mọi chuyện âm ỉ rồi phát hỏa thành… bất đồng, dù cả HLV Riedl lẫn người trợ lý tin cẩn bao năm của ông khẳng định, đấy chỉ là tranh luận về chuyên môn chứ không có mâu thuẫn.
Kể ra thì xét theo “vai vế”, chắc gì HLV Riedl đã phải là “sếp” của ông Chung. Ông trợ lý số 1 của U23 Việt Nam đường đường là Trưởng bộ môn bóng đá, nghĩa là xét ở khía cạnh hành chính, nhà cầm quân người Áo phải nghe theo mệnh lệnh của ông Chung mới đúng lẽ. Song, đặt trong tình huống cụ thể ở đội U23 Việt Nam, nhất là khía cạnh chuyên môn, quyền quyết định phải thuộc về ông Riedl. Chẳng thế mà, ngay thời điểm Olympic Việt Nam thăng hoa nhất, trợ lý Mai Đức Chung vẫn hơn một lần tuyên bố: “Bóng đá Việt Nam cần ông Riedl, còn tôi thì chưa thể vượt tài của ông ấy!”.
Sự kiện “bất đồng” dẫu sao đi nữa cũng chỉ là tranh luận về góc độ chuyên môn. Tất nhiên, đứng ở góc độ chuyên môn của U23 Việt Nam thì ông thầy người Áo đang nhận lương 12.000 USD/ tháng của VFF phải là người quyết định cuối cùng chứ không phải là ông trợ lý. Cái chính kiến của trợ lý Mai Đức Chung về việc sử dụng lực lượng, con người suy cho cùng chỉ là một “giá trị tham khảo”, và nó phải nằm trong phạm vi cho phép về những quy định của U23 Việt Nam.
Chuyện “bất đồng” giữa các nhà cầm quân ở U23 Việt Nam đặt ra 2 vấn đề: thứ nhất, nếu thực sự tính đoàn kết trong nội bộ U23 Việt Nam đang bất ổn thì đấy quả là điều nguy hiểm khi SEA Games 24 đã cận kề; thứ hai, cái “bất đồng” ấy lại chứng tỏ U23 Việt Nam đã chọn được một đội ngũ trợ lý đáng đồng tiền bát gạo khi dám nêu chính kiến chứ không chỉ cam phận “xách nước” và ngậm miệng ăn tiền. Tựu trung lại, ở góc độ phát triển thì với những vấn đề có tính chất xung đột và đã rõ mồn một như vậy ở U23 Việt Nam, “ông chủ” VFF sẽ có đủ thời gian để đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhất cho U23 Việt Nam trước khi bước vào trận đánh lớn ở SEA Games 24.
Vậy “bất đồng”- chuyện có chi mà rộn!
GIA MINH