Bất kể mưa nắng, sớm hôm, hơn 10 năm qua, những cuộc gọi, những dòng tin nhắn của người sống cùng H (người nhiễm HIV/AIDS) đã kéo anh Phong vào bao cuộc đua sinh tử, níu kéo hy vọng. Rất nhiều người, như được sống lại thêm một lần nữa…
“Anh Phong ơi, giờ em phải làm sao? Em đâu phải dân ăn chơi, thế mà vẫn không tránh khỏi nỗi đau đớn hôm nay. Khi xét nghiệm bị nhiễm HIV, em mới sáng mắt ra, từng giây từng phút trôi qua giờ như có dao cứa vào lòng. Em tuyệt vọng lắm! Em chỉ gặp một mình anh thôi. Đừng bắt em gặp ai khác và cũng đừng bắt em làm gì hết…”. “Ừ! Anh hứa!”, anh Phong nhắn với nick ẩn danh.
Gặp nhau, anh Phong nắm tay bạn. Anh hiểu bạn sợ gì, lo lắng điều gì khi bị H. “Điều trị đi em! Em sẽ không cần gặp ai, chỉ cần nhớ uống thuốc mỗi ngày là được...”. Cuộc hẹn giữa Phong và N. diễn ra như vậy. Phong gặp để hướng dẫn N. những điều nên và không nên, cách điều trị cụ thể. Cuối cùng, N. đồng ý điều trị ngay vì: “Em tin anh Phong”.
Không biết từ bao lâu rồi, anh Nguyễn Anh Phong (41 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) được không ít người nhắc đến với cái tên “Phong Sida”. Làm việc cho một công ty chuyên cung cấp thiết bị văn phòng, nhưng anh Phong lại được biết đến là một trong những người hoạt động bền bỉ, tâm huyết với các hoạt động tuyên truyền, giúp đỡ bệnh nhân HIV tại TPHCM. Anh bảo, hồi đó, hễ nghe ai gọi mình Phong Sida là thấy khó chịu, nhưng bây giờ, tên gọi đó lại trở thành quen. “Cái tên dường như gắn với công việc hỗ trợ những người sống cùng H. Nghe riết rồi quen. Mình cảm thấy được tin tưởng sau rất nhiều tháng ngày miệt mài giơ tay ra với các bạn kém may mắn”, anh Phong cười nói.
Tôi gặp anh Phong khi anh đang tham gia hỗ trợ bệnh nhân. Anh đau đáu về trường hợp một học sinh học lớp 9, con của chị T. (quận 8) bị chuyển sang giai đoạn nặng. Em bị nhiễm H do lây truyền từ mẹ sang con. Mẹ của em bị lây từ chồng và người chồng mất cách đây nhiều năm. Từ một cô bé tròn trịa anh Phong gặp ở mùa Trung thu trước, nay em chỉ còn nặng 25kg. Ngày em nhập viện cấp cứu, mẹ em chỉ biết gọi anh Phong nhờ giúp đỡ, lo viện phí... Em học sinh đáng thương này nằm trong số hàng trăm người mà anh Phong từng hỗ trợ. Đến giờ, anh không thể nào nhớ hết nổi những cuộc gọi, những cái tên, những phận đời éo le mình đã gặp.
Sự ra đi của một người bạn nhiễm H là điểm khởi đầu cho hành trình đồng hành cùng người nhiễm H của anh Phong. Anh kể, ngày đó, bạn anh sau khi phát hiện nhiễm H, đã bị gia đình đuổi ra khỏi nhà khiến tinh thần, sức khỏe kiệt quệ. Người bạn đi làm thuê tại một cái chợ tạm nhỏ ở quận 1, đêm về ngủ dưới gầm cầu. Người bạn đó từ chối điều trị giai đoạn cuối, nhường cơ hội cho những người khác. Lời trăn trối: xin đưa em “về nhà”, chỗ gầm cầu em hay nằm, khi gia đình không một ai cần em nữa..., khắc sâu vào lòng anh Phong về sự đơn độc, đến cả khi mất đi vẫn không thể thoát khỏi sự kỳ thị của xã hội.
Anh Phong đưa bạn “về nhà”, gọi thêm bạn bè hỗ trợ, còn anh chạy đôn chạy đáo đi xin hòm. “Bạn đó không còn gì cả, không gia đình, không sự nghiệp, không niềm vui, không còn khát khao tuổi trẻ nào cả ngoài tấm thân tàn tạ. Tôi không biết bạn sẽ sống được thêm bao lâu nếu được gia đình đồng cảm, nhưng chắc hẳn sẽ không phải ra đi trong cô độc, khi chỉ mới hai mươi mấy tuổi. Trước khi nhắm mắt, bạn nắm tay tôi nói, hãy cố gắng giúp đỡ những người nhiễm H như đã giúp bạn. Đó là một trong những lý do mà tôi theo đuổi công việc này vô điều kiện đến giờ”, anh Phong kể.
Không để bệnh nhân lẻ loi
Anh Phong có cuộc sống gia đình không trọn vẹn. Khi anh mới 8 tuổi, ba anh bỏ rơi hai mẹ con. Vì nghèo khó, mẹ anh phải mưu sinh đất khách. Anh Phong hiểu cuộc sống thiếu tình thương là thế nào. Anh cho rằng, đến thời điểm này, sự kỳ thị xã hội với bệnh nhân nhiễm H không nặng nề như trước kia. Nhưng sự kỳ thị vẫn còn đâu đó, có thể chuyển qua một cách khác, âm thầm hơn nhưng lại làm tổn thương một cách sâu sắc hơn. Anh Phong cho biết, nhiều năm qua, bệnh nhân HIV được hỗ trợ điều trị thuốc ARV (thuốc điều trị HIV/AIDS) miễn phí tại các cơ sở y tế trong nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế bắt đầu giảm tài trợ, người bị phơi nhiễm phải tự chi trả cho quá trình điều trị thông qua bảo hiểm y tế. Trong trường hợp những người bệnh ngại tiết lộ thông tin cá nhân vì sợ bị kỳ thị và người không có giấy tờ tùy thân (không mua được BHYT) sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị.
Muốn hỗ trợ thiết thực các bệnh nhân nhiễm H, tháng 6-2017, anh Phong và một số y bác sĩ đã cùng nhau lập phòng khám mang tên “Nhà mình” ngay tại căn nhà của anh ở đường Ba Đình (phường 10, quận 8). Phòng khám hỗ trợ điều trị, tư vấn cho bệnh nhân nhiễm và phơi nhiễm HIV, giúp đỡ những người không có khả năng chi trả kinh phí điều trị. Nguồn lực để duy trì phòng khám được trích từ doanh thu công ty nhỏ của anh và quỹ riêng do anh kêu gọi từ khắp nơi. Rất nhiều trường hợp không may giẫm phải kim tiêm, tiếp xúc với bệnh và không đủ tiền để tiêm thuốc phơi nhiễm, hoặc những người cần cấp cứu gấp mà không đủ tiền nhập viện đã được phòng khám cứu giúp kịp thời.
Đã có rất nhiều lần, vào nửa đêm, anh Phong thức dậy mở cửa “Nhà mình” vì có tiếng chuông gọi cửa. Có khi là một cô gái chuyển giới làm nghề hát đám tang, hội chợ tìm đến anh mang theo những tờ tiền lẻ hát được trong ngày, đếm lui đếm tới chừng vài ba trăm ngàn, xin được trả góp tiền thuốc. Anh Phong bảo cô gái cứ giữ số tiền này để xài, phòng khám sẽ trích quỹ để hỗ trợ thuốc điều trị. Cô gái đứng trong bóng đêm mà nước mắt ngắn dài, làm trôi lớp phấn son. Cũng có khi, ngoài cửa “Nhà mình” là đôi bạn nam chạy xe miết từ Lâm Đồng xuống, cả hai mắt đều đỏ hoe. Hai bạn yêu nhau, cùng đều nhiễm H, vượt qua quãng đường dài đến gặp anh Phong nhờ giúp đỡ. Anh Phong có được động lực đi tiếp từ trong chính những câu chuyện, những mảnh đời đầy bất hạnh mình gặp.
Hơn một năm qua, anh Phong lập trang “Chuyện của Phong” trên Facebook, chia sẻ hàng trăm câu chuyện có thật từ chính người nhiễm H. Đó là câu chuyện một người vợ bị chồng phản bội, bị lây nhiễm H; là tâm sự đớn đau của một người mẹ khi có con nhiễm H… Những câu chuyện không né tránh, để người đọc tự cảm nhận. Anh Phong nhẹ nhàng sẻ chia: “Hơn ai hết tôi là người lo sợ nhất vì mình trực tiếp chứng kiến và chăm sóc người bệnh. Tôi cũng là con người mà. Tôi chia sẻ những câu chuyện đó để mong mọi người cùng cảm nhận: người sống với HIV phải tuân thủ điều trị thật tốt; người dương tính với HIV nhưng không chấp nhận, chưa điều trị thì hãy tham gia điều trị càng sớm càng tốt; người có hành vi nguy cơ nên tham gia xét nghiệm HIV sớm và định kỳ; người chưa bao giờ xét nghiệm HIV cũng tham gia xét nghiệm định kỳ; hiểu hơn về HIV để cùng chung tay xóa bỏ rào cản từ sự kỳ thị…”.
“Chào anh Phong mập, em uống PEP bữa giờ, quen thuốc thấy cũng không có gì sợ cả. Giờ em ráng uống cho hết 28 ngày rồi xét nghiệm lại”; “Bác Tr. ở quận 10 nè Phong. Thằng T. sau khi nói chuyện với con xong, nó mới bảo bác ngày mai đưa nó qua con để lấy thuốc uống. Nó chịu uống thuốc là bác mừng lắm con ơi”… Những tin nhắn như thế lần lượt đến với anh Phong. Anh bảo đó là hạnh phúc.
Anh Nguyễn Anh Phong gắn bó với Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV/AIDS tại Việt Nam (VNP+), một tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, thành lập từ năm 2013. Để những hoạt động tuyên truyền hiệu quả, anh Phong thực hiện nhiều chương trình từ thiện định kỳ như: Hạt gạo chia đôi, Tiếp bước đến trường, Trăng yêu thương, Nhà nhân ái và đặc biệt là chiến dịch truyền thông Dải băng đỏ, từ năm 2015 chuyên dành cho các đối tượng sống chung với H có hoàn cảnh khó khăn. |