Được mời ra mắt một công ty văn hóa có tên khá huyền bí là “Huyền Đức”, người viết không khỏi mỉm cười vì cái tên lạ lẫm rất khó dịch ra tiếng Anh, tiếng Nga, mà trụ sở lại nằm ở khu vực sang trọng bậc nhất TPHCM là đường Nguyễn Huệ. Sự nghi ngại cũng có lý khi lâu nay kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa không mang lại các khoản lợi nhuận kếch xù như buôn bán địa ốc, chứng khoán, ngoại tệ…
Quả thật, những bạn trẻ dám lấn sân vào lĩnh vực văn hóa đã tranh luận khá nhiều về đối tượng hướng tới, về liên kết xuất bản sách có chất lượng, về phát triển sản phẩm văn hóa trên nền tảng mạng xã hội. Không ngoài dự đoán, mọi sự bắt đầu từ tiền đầu tư, ai đó nói phải chịu lỗ ít nhất 5 năm vì chi phí cho một đầu sách không dưới 50 triệu đồng từ tiền in ấn, chiết khấu phát hành đến thù lao tác quyền. 1 đầu sách 50 triệu đồng, 10 đầu sách 500 triệu đồng, 30 đầu sách là 1 tỷ rưỡi…, tiền bỏ ra không nhỏ, còn hiệu quả “tiền tươi thóc thật” vẫn là câu hỏi lơ lửng ngoài cái tiếng đóng góp cho xã hội, làm bớt đi những tiêu cực, bớt đi những giá trị tinh thần lệch chuẩn. Một vấn đề mà những đơn vị làm văn hóa lâu năm hay mới khởi nghiệp như công ty Huyền Đức vấp phải là vấn đề sách lậu, sách giả, vấn đề vi phạm bản quyền mà cả chục năm chúng ta đã nói, kiến nghị, đấu tranh nhưng đến nay vẫn là vấn đề không thể giải quyết dứt điểm.
Mới đây, Công ty First News đã thêm một lần báo động tình trạng sách giả rao bán tràn lan trên mạng làm méo mó thị trường. Cụ thể, có tới 280 đầu sách của công ty này bị “xào, luộc”, làm giả; trong đó có cuốn Đắc nhân tâm bị làm giả tới … 15 phiên bản. Điều đáng buồn là thủ phạm làm giả, hoặc tham gia phát hành nó, lại là các “ông lớn” làm mưa, làm gió trên mạng như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada…Thủ đoạn làm giả với sự phát triển của công nghệ đã tới mức không thể phân biệt thật - giả, vì giống tới 95% so với sách thật, thậm chí bìa sách thật có bìa nhũ vàng thì sách giả cũng y chang, chỉ người trong nghề tinh mắt lắm mới phát hiện ra sự khác biệt. Ngoài ra còn chưa kể tới các hình thức đánh cắp khác dựa trên công nghệ như sách giả được thiết kế dạng PDF hoặc đọc thu âm chép trong USB để nghe trong xe hơi. Theo một thống kê, tỷ lệ bán sách giả và thật là 15/1, nghĩa là thị trường mạng bán được 15 cuốn giả thì các đơn vị làm sách chỉ bán được 1 cuốn sách thật!
Vậy tại sao người mua biết là sách giả vẫn mua đọc? Thống kê bỏ túi cho thấy chỉ có khoảng 10% người đọc là mua sách thật với giá bìa tại các cửa hàng sách chính thống, còn lại là mua tại các quầy sách trôi nổi trên thị trường với mức chiết khấu nhiều khi lên tới 80%. Mới “ra ràng” như công ty Huyền Đức nói trên thật khó đương đầu với vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan, từ xăng dầu giả, bao cao su giả... đến sách đọc cũng giả nốt. Thật sự lợi nhuận 1 cuốn sách bán 1000 - 2000 cuốn chỉ khoảng 5% giá bìa vì chi phí chiết khấu phát hành tới 40%-50%, rồi tiền giấy, công in, tiền biên tập, hiệu đính, tiền bản quyền (nếu là sách dịch), nên chỉ để duy trì được hoạt động của đơn vị làm văn hóa thôi cũng đã là kỳ tích. Nhìn rộng hơn, đối với các sản phẩm văn hóa khác như điện ảnh, truyền hình Internet, tình trạng cũng không khá khẩm gì hơn. Một bộ phim mới chiếu rạp buổi sáng thì đến chiều đã xuất hiện tràn ngập trên mạng. Một chuyên gia công nghệ thông tin có tiếng của Group- IB đã lắc đầu nói về “cái vòi bạch tuộc”, chặt đầu này lại mọc ra đầu khác của hệ thống các trang phim lậu, vì lợi nhuận khủng. Một trang web thôi cũng có thu nhập bình quân khoảng 10.000 USD/tháng nhờ các clip quảng cáo đính kèm. Một nguồn tin giấu tên cho biết để lập 1 trang lậu chỉ mất tổn phí khoảng 240USD nhờ sự kết nối, phổ biến của dịch vụ CDN và cứ mỗi 1.000 lần like là chủ sở hữu kiếm được 3 USD…
Phải chăng chúng ta đã bất lực với tệ nạn hàng giả, hàng nhái dù đã ký đầy đủ các công ước quốc tế về tác quyền. Cơ quan chủ quản thì than phiền không đủ nhân lực giám sát nên trách nhiệm chính vẫn phải ở chính quyền địa phương; còn địa phương lại …cũng thiếu người chỉ trông chờ phía trên “có biện pháp xử lý mạnh tay”. Tóm lại, ngoài phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng cho vi phạm (chỉ là một khoản nhỏ nhoi so với thu nhập lậu kếch xù), chúng ta chỉ trông chờ vào ý thức và trách nhiệm của người mua sản phẩm văn hóa. Thực trạng nhức nhối này cứ mãi kéo dài, như một câu chuyện dài không hồi kết.