Chuyện dời đô

Cuối cùng thì “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050” cũng được thảo luận trên diễn đàn Quốc hội. Một trong những điểm được nhiều đại biểu lưu ý và tỏ sự không đồng tình là việc chọn một quỹ đất ở sát chân núi Ba Vì để làm trung tâm hành chính quốc gia trong nửa thế kỷ nữa.

Vấn đề này đã âm ỉ từ cuộc thảo luận tổ và ra ngoài hành lang báo chí thì đã rộ lên nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí khái quát thành chuyện “dời đô” một lần nữa. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã phải thanh minh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước cuộc thảo luận và đăng đàn tại Quốc hội giải thích rằng đó là quỹ đất dự trữ phòng sau này. Nếu thiếu đất trong khu trung tâm thì sẽ sử dụng quỹ đất trên. Nhưng bộ trưởng cũng hé ra quan điểm rằng đã gọi thủ đô thì cả 3.500km2 của Hà Nội ngày nay đều là thủ đô, là “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa...”.

Có đại biểu bác lại bằng cách ví với vị trí cái bàn thờ trong nhà để thấy cùng trên đất Hà Nội có nơi này nơi khác, do vậy mà giá cả bất động sản trên đất Hà Nội chỗ này khác chỗ kia, mà khác nhau khủng khiếp...

Ai cũng nhắc đến cái không gian mà cụ Lý Công Uẩn chọn đất dời đô từ Hoa Lư ra, đến nay đã được ngàn năm như một vùng đất linh một tấc không đi, một li không dời. Nghe cuộc tranh luận, lại nghĩ đến đức Lý Thái Tổ và muốn chia sẻ để suy nghĩ thêm cho cặn kẽ.

Lý Công Uẩn vừa lên ngôi, việc làm đầu tiên là dời đô khỏi Hoa Lư, mảnh đất thủ hiểm đủ sức che chắn cho hai triều Đinh và tiền Lê, đủ sức để gìn giữ nền tự chủ còn non trẻ mà bậc tiền nhân là Ngô Quyền, vị “tổ trung hưng thứ nhất” (theo cách tôn vinh của cụ Phan Bội Châu) xác lập sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Việc dời đô khỏi Hoa Lư tiến ra phía Bắc, về không gian gần với đế chế Trung Hoa, lại là nơi đồng bằng là cách vua Lý muốn tỏ rõ sự trưởng thành, cứng cáp và ý chí tự chủ của dân tộc ta, lúc này đã mang quốc hiệu Đại Việt.

Lẽ thường, khi dời đô ra phía Bắc, Lý Công Uẩn sẽ về Cổ Loa, chốn xưa của các bậc tiền nhân là Ngô Quyền và trước đó là An Dương Vương. Hoặc giả, để tìm chỗ dựa vào tông tộc thì ngài sẽ chọn đất Kinh Bắc là quê hương của mình. Đằng này, Lý Công Uẩn lại nhắm vào đúng cái nơi mà Cao Biền đã chọn lúc đó được gọi là Đại La thành.

Cao Biền là một viên quan cai trị của nhà Đường, được cử làm Tiết độ sứ cai quản đất Giao Châu, là người đã xây thành Đại La ở vùng đất cổ từng mang tên là “Long Đỗ” (rốn rồng). Xây thành Đại La làm trị sở để cai trị dân Việt như một quận huyện của phương Bắc. Lẽ thường thì Lý Công Uẩn phải tránh xa và khinh miệt kẻ đô hộ. Nhưng ngài lại ứng xử khác, trong Chiếu dời đô có đoạn “Huống gì thành Đại La, đô cũ của Cao Vương; ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi...” kèm theo lời ca ngợi về thế đất làm cho nơi này “rất mực phong phú tốt tươi”, nên quyết định chọn nơi này để định đô cho Đại Việt. 

Phải chăng cái khôn ngoan của Lý Công Uẩn cũng là cái bản lĩnh của ông cha ta là thức thời, biết học cái hay của thiên hạ để phụng sự cho sự nghiệp và lợi ích của quốc gia mình. Ngài chọn Đại La, nơi có thế đất “rồng cuộn, hổ ngồi” rất “tĩnh” để làm kinh đô nhưng lại chọn cho nó một cái tên rất “động” là “Thăng Long” (rồng bay) để phá cái thế yểm triệt của phương Bắc, giải phóng cho con rồng Đại Việt cất cánh...

Cái truyền thống ngàn năm của thủ đô ta bắt đầu từ cái sáng suốt không theo cổ lệ mà đầy tính sáng tạo, khôn ngoan, biết học cái hay của thiên hạ để làm nên cái lợi ích cho tương lai. Bởi thế, trọng cái ơn, cái tài của người xưa, trước hết phải tìm một cái gì sáng tạo hơn là cứ khuôn trọn vào cái cũ.

Cho dù đây mới cái là cái “chợt nghĩ” chuyện xưa để liên tưởng đến chuyện nay, chưa có gì là quy củ cả. Nhưng xin cứ kể ra đây, như đã phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, để chia sẻ ý thức rằng sau một thiên niên kỷ cũng cần phải có những cách nhìn mới về tương lai của thủ đô như cụ Lý Công Uẩn đã có một cách nhìn để nhận ra vị trí của Thăng Long, kinh đô Đại Việt 1.000 năm về trước.

DƯƠNG TRUNG QUỐC

Tin cùng chuyên mục