Chuyển hướng tiếp cận

Tổng thống Peru Ollanta Humala ngày 11-6 hội đàm với người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại Washington với trọng tâm là kế hoạch nâng cấp quan hệ 2 nước thành đối tác chiến lược.

Một tuần trước đó, Tổng thống Mỹ cũng đã có buổi tiếp Tổng thống Chile Sebastian Pinera tại Nhà Trắng. Chuyến thăm của 2 nhà lãnh đạo Mỹ Latinh diễn ra không lâu sau chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Colombia, Trinidad và Tobago, Brazil cuối tháng 5 vừa qua. Những diễn biến trên khiến không ít nhà quan sát nhận định rằng Mỹ đang tìm cách khôi phục lại ảnh hưởng tại khu vực mà Washington lơ là từ thời cựu Tổng thống G.W.Bush cho đến nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama.

Hai thập kỷ gần đây, hầu hết các chính phủ Mỹ Latinh với việc quản lý kinh tế, cải cách cơ cấu và mở cửa hơn đối với đầu tư nước ngoài đã tạo ra nhiều năm tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp, duy trì được các nền dân chủ ổn định. Cùng với nguồn tài nguyên dồi dào và các cơ hội thương mại, Mỹ Latinh đang thu hút sự chú ý của các cường quốc châu Âu, Canada và các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong bối cảnh đó, theo một bài viết trên mạng tin Project syndicate, Mỹ buộc phải tìm cách tiếp cận mới với Mỹ Latinh thay vì chính sách “cài đặt và lật đổ” các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh. Trước đây, Mỹ thường xuyên núp bóng các tổ chức đấu tranh vì nhân quyền, dân chủ, để kích động các phong trào chống chính phủ, lật đổ chính quyền tại khu vực Mỹ Latinh. Gần nhất, năm 2009, vụ lật đổ Tổng thống theo đường lối cánh tả Manuel Zelaya ở Honduras bị dư luận quốc tế lên án, cáo buộc có bàn tay của Mỹ.

Tuy nhiên, chiêu bài của Mỹ giờ đây không còn tác dụng khi các chính phủ Mỹ Latinh cấp tiến đoàn kết, thống nhất sát cánh bên nhau vì sự phát triển chung của khu vực. Chuyên gia về chính trị người Argentina Atilio Boron cho rằng Washington sẽ nỗ lực củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng phương Nam thông qua con đường ngoại giao, công nhận lợi ích đa dạng của Mỹ Latinh, trong đó xác định quan hệ thương mại là đòn bẩy quan trọng nhất. Điều này có thể thấy rõ trong chuyến thăm của Tổng thống Pinera khi chủ đề chính trong cuộc thảo luận là Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong khi đó, trong chuyến công du tại Colombia, nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của Liên minh Thái Bình Dương, ông Joe Biden tuyên bố Mỹ sẵn sàng gia nhập liên minh trên với tư cách quan sát viên. Đây là khối được Mexico, Colombia, Chile và Peru thành lập năm 2012 với tham vọng trở thành một động cơ kinh tế mới tại Mỹ Latinh. Nếu gia nhập liên minh kinh tế này, với sức mạnh của mình, Mỹ sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế tại Mỹ Latinh.

Không chỉ có vậy, Mỹ còn được lợi lớn nhờ đòn bẩy thương mại. Hơn 40% lượng hàng xuất khẩu của Mỹ hiện được đưa sang Mexico, Trung và Nam Mỹ, những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Thêm vào đó, Mỹ vẫn tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ Latinh.

Theo nhà phân tích người Mỹ Adam Isacson, những ngày mà sức mạnh quân sự và hoạt động chính trị lật đổ nhằm đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ tại Mỹ Latinh và các khu vực khác trên thế giới đã qua. Mỹ giờ có thể kết hợp sức mạnh kinh tế và một nền văn hóa với tầm vươn toàn cầu để duy trì ảnh hưởng của mình ở Mỹ Latinh.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục