Ngành giáo dục quận 1, TPHCM
Là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục quận 1, TPHCM, Trường THCS Đức Trí không chỉ có những thành tích dạy và học, mà còn góp phần thổi bùng lên ngọn lửa nhân ái trong cộng đồng từ nhiều năm qua. Ngôi trường này là nơi cô giáo liệt sĩ Nguyễn Thị Diệu giảng dạy và cũng từng là nơi cắp sách đến trường của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.
Những điểm nhấn đặc biệt
Đến Trường THCS Đức Trí theo giới thiệu của lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo quận 1, tiếp chúng tôi là thầy Hiệu trưởng Trần Quốc Tánh, các cô Phó hiệu trưởng Lê Thị Minh Nguyệt và Nguyễn Thị Liễu. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tuy thuộc địa bàn quận 1, “vùng đắc địa” của TPHCM, nhưng khi hoạt động, Trường THCS Đức Trí gặp khá nhiều “gập ghềnh” bởi những em học sinh trong tuyến là cư dân của khu Mả Lạng - Đồng Tiến, cái tên gợi nhớ về một vùng nhiều tệ nạn xã hội của Sài Gòn xưa. Đa số các em có cha mẹ là dân lao động, điều đó nói lên phần nào những khó khăn của Ban giám hiệu nhà trường trong mỗi đợt thu học phí.
Thầy Trần Quốc Tánh cho biết: “Một số phụ huynh nợ tiền học phí vì gia đình quá khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải tìm cách linh động để cố gắng giải quyết sao cho hợp tình hợp lý”. Trả lời câu hỏi liệu với những khoản tiền không thể thu được thì sao? - thầy Quốc Tánh chia sẻ: “Chúng tôi có nguồn quỹ được hỗ trợ từ gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Diệu - quỹ này xây dựng thành “học bổng Nguyễn Thị Diệu” cùng với Quỹ khuyến học do phụ huynh của trường tự nguyện đóng góp. Quỹ này được dùng để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường và động viên các em chăm ngoan, học khá giỏi.
Sự khác biệt về hoàn cảnh gia đình và cũng do chênh nhau về năng lực và sức tiếp thu đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập của học sinh trong cùng bậc học. Đây quả là bài toán nan giải cho các thầy cô Trường THCS Đức Trí. Nhưng, với tấm lòng yêu nghề, yêu trò, đam mê cống hiến sức trẻ, sự cộng hưởng đầy tâm huyết của đội ngũ giảng dạy, nhà trường đã đạt được thành tích qua những con số thể hiện đầy ấn tượng: Giải nhất bộ môn Hóa, giải ba bộ môn Anh văn, giải khuyến khích bộ môn Mỹ thuật của chương trình Dạy học theo chủ đề tích hợp định hướng cho giáo trình 2015 - 2020 do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức (TPHCM đoạt 10 giải, trong đó có 3 giải thuộc về Trường THCS Đức Trí). Ngoài ra, trường vinh dự khi cô Tô Thụy Diễm Quyên là 1 trong 3 đại diện của Việt Nam được Microsoft chọn làm chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu...
Lướt qua chủ đề các dự án “Hội nghị bảo tồn văn hóa thế giới”, “Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, chuyên đề “Học sinh và đại dịch AIDS” và công trình dự án “Những nét đẹp của địa phương qua các công trình kiến trúc”, thi thiết kế mô hình về biển đảo… mà thầy trò Trường THCS Đức Trí đạt được từ phong trào của trường, đến quận và thành phố mới thấy hết những tâm huyết và sức mạnh đoàn kết của thầy và trò.
Ngọn lửa từ trái tim
Để lần ra lời đáp cho những thành tích mà nhà trường đạt được từ các phong trào trên, chúng tôi thực sự bất ngờ khi nghe các thầy cô giáo chia sẻ “ngọn lửa phong trào” đó được thắp lên từ một cô giáo đã “vượt lên chính mình”. Cô giáo ấy chính là Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Liễu mà chúng tôi được tiếp xúc.
Nếu không có những bật mí nho nhỏ từ các thầy cô, không ai có thể biết cô giáo có nét mặt hiền hòa và chân chất ấy đã và đang gánh bên mình một nỗi niềm khôn tả. Vừa làm công tác phong trào của trường, vừa quản lý phụ trách bộ môn xã hội và kiêm nhiệm thêm các lớp bán trú…, những tưởng công việc đó một người bình thường phải có nhiều tâm huyết và nỗ lực lắm mới cáng đáng nổi. Thế nhưng, quá bất ngờ, vì cô giáo Liễu không chỉ có thế mà còn hơn thế nữa!
Đằng sau cánh cổng trường khép lại mỗi lúc tan tầm, là một người vợ, người mẹ tất tả ngược xuôi của một lao động chính, làm thêm đủ thứ việc để chăm sóc chồng bị bệnh hiểm nghèo và 2 con nhỏ. Khi đứa con gái lớn chưa tròn 10 tuổi, cô chuẩn bị làm mẹ lần 2, lần làm mẹ này đã làm cô gần như khủng hoảng và suy sụp bởi đứa con trong bụng được chẩn đoán mang căn bệnh giãn não thất khi thai kỳ đã vào tháng thứ sáu. Hành trình của một người mẹ đau khổ đầy nước mắt bắt đầu từ đây. Cố đứng lên tự an ủi mình, tự gạt đi những giọt nước mắt đau khổ để sinh con và luôn bên cạnh giúp con chống chọi với bệnh tật dù con có như thế nào, dù biết rằng căn bệnh đó không thể nào chữa được. Gần 5 năm oặn thắt nhìn con lớn lên, không thể lật, bò, ngồi hay nói như bao trẻ khác nhưng cô vẫn dạy cho con mình biết cười bằng nụ cười của trẻ thơ, mỗi nỗ lực cố gắng của con trẻ dù vô thức vẫn như giúp cô tăng sức mạnh nối tiếp để vững vàng và tự hào về con.
Tình yêu lớn nhất của cô chính là tình yêu con người, nhất là học trò và đồng nghiệp. Vì thế, cô luôn chia sẻ với những cảnh đời quanh mình để luôn tự nhủ “mình vẫn còn may mắn hơn bao người”. Chia sẻ về phong trào, cô Liễu nói: “Đó chính là động lực giúp tôi vượt qua những giai đoạn thăng trầm nhất của cuộc đời để tin rằng, cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp đáng trân trọng, đáng để cống hiến nhiều hơn. Đồng nghiệp, học trò và phụ huynh luôn là nguồn động viên, an ủi lớn nhất của cuộc đời tôi, tôi thấy mình thật may mắn được sống giữa những yêu thương, san sẻ và tất cả những gì tôi làm là cách để tri ân cuộc đời này!”.
DƯƠNG NGỌC BÍCH NGA