L.T.S: Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội râm ran bàn luận về một nhóm 20 sinh viên đại học tại TPHCM, vượt núi Bà Đen, bị lạc 1 ngày và gần 1 đêm, được hơn 100 người giải cứu trong tình trạng mất bình tĩnh, đói, khát. Nhiều ý kiến cho rằng, bạn trẻ ngày nay dễ mất bình tĩnh khi gặp khó khăn, không được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết để vào đời. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của bạn Quang Liêm (quận 3, TPHCM) trên Facebook, xung quanh vụ việc này.
Nhân đọc các bài rình rang trên internet về việc hơn 100 người phải mất gần một ngày rưỡi để tìm được nhóm sinh viên 20 người, nhân tiện phát hiện thêm 4 sinh viên khác bị lạc, mình chợt thèm ước chi đưa được nhóm bạn này tham dự Đại hội Hội Sinh viên TPHCM mới kết thúc, với mong ước cá nhân: Hãy hiện thực những khẩu hiệu chứ đừng kêu gọi chung chung.
Đây có thể chỉ là thiểu số, nhưng vẫn là chuyện thường ngày ở huyện, khi ngay cả gia đình, nhà trường và xã hội đều thiếu trang bị kiến thức cơ bản cho những người đã hơn 18 tuổi, tức là sở hữu tấm thẻ nhỏ nhắn có chữ “sinh viên”.
Khoan nói đến những kiến thức như phượt hay du khảo, mà với một người trưởng thành, hơn 18 tuổi và tâm thần bình thường, chỉ cần những kiến thức thông thường, những suy luận đơn giản vẫn có thể cùng bạn bè mình xuống núi khi đi lạc, nhất là trong một trường hợp cụ thể như núi Bà Đen, được xác định là một ngọn núi “mồ côi” trên đồng bằng với địa hình không quá phức tạp.
Chẳng lẽ trước khi xác định là chuyến xuyên rừng, các bạn không chuẩn bị những vật dụng cần thiết như một cái hộp quẹt chẳng hạn? Cứ đi qua lại trên một ngọn núi không hoang vắng và giữa rẫy mãng cầu, chuối, các bạn lại chấp nhận bị đói? Còn muốn trồng cây ở những rẫy này, chắc hẳn phải có nguồn nước, các bạn chấp nhận bị khát?
20 người khi lạc đường lại không thể họp lại, đưa ra những ý kiến tốt nhất để thoát, mà cứ lay hoay trong những nhánh núi để mất phương hướng và hoang mang, lo sợ? Thiếu một người trưởng nhóm và những ý kiến xác đáng sẽ gây ra rối, không tự chủ được hành vi, điều này dẫn đến việc các bạn thiếu lương thực và nước uống! Để tránh đi lòng vòng, chẳng lẽ các bạn không biết đánh dấu những con đường mình đã đi qua bằng cách bẻ lá cây, quẹt đánh dấu trên thân cây bằng những vật nhọn như chìa khóa xe chẳng hạn.
Ở trên núi và giữa rừng, điều dễ nhất là gom lá cây, 20 người chẳng lẽ không dám nhổ sạch (phát quang) trong bán kính 3m để tránh cháy lan, rồi gom lá cây, đốt khói làm hiệu để đánh dấu vị trí cho lực lượng chức năng cứu thoát? Không cần 1 điện thoại thông minh, chỉ cần 1 điện thoại cùi bắp, với ít nhất mười mấy cái điện thoại trong tay, các bạn có thể chọn chỗ trống trải, quan sát và báo cho cơ quan chức năng đang tìm kiếm, cũng như những người dưới chân núi để nói rõ vị trí mình đang đứng nhìn thấy cái gì.
Còn nữa, giữa đêm tối, các bạn tụ tập lại, dùng những vật có thể phát sáng như đèn pin mini, điện thoại để tạo nguồn sáng thu hút người tìm kiếm. Với những “thông báo” dạng này, lực lượng chức năng và cư dân địa phương quen thuộc địa hình sẽ biết ngay vị trí các bạn đang đứng để ứng cứu.
Do vậy, khi đọc những thông tin trên, tôi cảm thấy hoang mang khi thấy một số bạn trẻ “không hiếm” không có khả năng ứng phó tình huống khi gặp sự cố… Lại là chuyện muôn năm cũ - thiếu kỹ năng…
Đọc qua những comment (bình luận) của bạn trẻ trên các trang mạng xã hội, có thể thấy nhiều ý kiến xung quanh sự việc này. Người chơi Facebook tên B.V.T. bình luận: “Nay đến cái CLB kỹ năng, chỉ dạy kỹ năng thôi còn không có. Giờ một bộ phận sinh viên không thích học để thích ứng với cuộc sống”. Bạn N.A.N: “Tối thiểu nhất trong những cuộc đi như thế là phải bỏ vào balô cái la bàn, con dao, hộp quẹt. Cẩn thận hơn thì cuộn dây dù, ít lương khô, chai nước suối chứ…”. Một người chơi Facebook khác - T.T.H. nói: “Các em bây giờ phần lớn chỉ thích game, lướt “phây”, ít tham gia CLB, ít tham gia sinh hoạt nhóm như tụi mình khi xưa nên xảy ra trường hợp này cũng là lẽ thường. Hy vọng đây sẽ là bài học cho các em cũng như các bạn khác - cần trang bị thêm kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn bên cạnh kiến thức bình thường”. |
QUANG LIÊM