Đất nước Việt Nam hôm nay suốt từ Lạng Sơn tới Cà Mau đã trải bao thăng trầm biến cố, tranh đấu của ông cha mới có được dáng vẻ, hình hài mà chúng ta tự hào. Đại Việt xưa chỉ tới châu Ô, châu Lý đời Trần; sang đời Lê mở mang vào tới Thuận Hóa, xuống Nam nữa là đất của Chiêm Thành rồi Chân Lạp.
Từ khi Nguyễn Hoàng vào trị nhậm đất Thuận Hóa, gây dựng xứ Đàng trong, các chúa Nguyễn không ngừng tìm cách mở mang bờ cõi về phía Nam. Cuộc Nam tiến đầy chông gai và gian nan ấy có công sức to lớn của một người phụ nữ mà cho đến nay hầu như ít được nhắc đến.
Người đó chính là Công nữ Ngọc Vạn. Cuốn tiểu thuyết dã sử: Nàng Công nữ Ngọc Vạn của Ngô Viết Trọng, do NXB Hội Nhà văn và Công ty Truyền thông Hà Thế xuất bản, lần đầu tiên hé mở bức màn bí mật về nàng Công nữ Ngọc Vạn, người đàn bà tuyệt đẹp và diệu kỳ trong số những liệt nữ đất Việt.
Ngọc Vạn là Công nữ (từ để gọi con gái của chúa, con gái vua gọi là công chúa) của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi), người con gái tài sắc vẹn toàn, đã hứa hôn cùng chàng trai trẻ tuấn tú văn võ song toàn Trần Đình Huy, con trai một dòng họ anh hùng hào kiệt, gần gũi với nhà chúa. Gác lại tình riêng, Công nữ Ngọc Vạn vâng lệnh chúa kết hôn với vua Chân Lạp Chey Chetta 2 vào năm 1620 và được sắc phong Hoàng hậu Chân Lạp.
Sau khi vua Chey mất, hai con trai bà lần lượt lên làm vua là Chau Ponhea To và Chau Ponhea Nou, Ngọc Vạn đương nhiên làm Thái hậu nước Chân Lạp. Hai con trai bà lần lượt ra đi trong những cuộc tranh giành quyền lực ở Chân Lạp. Mặc dù những người khác trong hoàng tộc lên ngôi vua nhưng bà vẫn tiếp tục giữ ngôi Thái hậu cho đến khi nhắm mắt ở tuổi già.
Suốt 52 năm làm Quốc mẫu Chân Lạp, Ngọc Vạn đã làm được những công việc phi thường cho dân tộc Việt, như bà xin với vua Chey cho người Việt di cư sang khai khẩn, sinh sống ở Mỗi Xuy (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai), để rồi từ đó người Việt tỏa đi khắp miền Thủy Chân Lạp. Bà cũng vận động vua Chey cho thành lập sở thuế thương mại đầu tiên tại Prey Kor (Sài Gòn - Chợ Lớn).
Hơn 50 năm sống ở ngôi vị cao, Hoàng hậu rồi Thái hậu của nước Chân Lạp, sống bên chồng, bên con nhưng trong sâu thẳm bà vẫn vò võ cô đơn cùng nỗi lòng đau đáu vì dân tộc, vì đất nước. Với những nguồn sử liệu từ Campuchia, từ nhiều nhà nghiên cứu Đông Nam Á của phương Tây, tác giả Ngô Viết Trọng đã viết lên câu chuyện thật cảm động về một người phụ nữ kiệt xuất, phi thường trong lịch sử dân tộc, mà chúng ta biết đến còn rất ít.
CAO MINH