- Chuyện thứ nhất
Nếu chiều hôm kia, An Giang thắng Hòa Phát Hà Nội thì sao nhỉ? Tự nhiên một đội bóng hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Sở TDTT chỉ sau một tiếng còi kết thúc trận đấu bỗng trở thành chuyên nghiệp. Hoặc nếu không được gắn cái "mác" ấy, AG cũng bỗng dưng gánh một khoản trách nhiệm khổng lồ, một mức ngân sách gấp đôi, gấp ba cho mùa giải chuyên nghiệp sắp đến. Hòa Phát có rớt hạng thì người ta vẫn gọi họ là CLB bóng đá chuyên nghiệp chứ biết gọi An Giang là gì khi ngân quỹ chỉ đợi nguồn duyệt chi từ kho bạc Nhà nước, cộng thêm một khoản tài trợ không đáng là bao?

VFF giờ thì cũng không thể khẳng định V-League là giải đấu chuyên nghiệp nữa, nhưng vẫn cứ hay ấn định cho các CLB đang đá ở V-League là các CLB chuyên nghiệp. Nghĩa là cứ thăng hạng là chuyên nghiệp. Thế mới có chuyện nhiều đội thăng hạng xong vội vắt chân lên cổ chạy tiền để đá cho V-League, rồi đột nhiên ngân sách tỉnh (có tiền đóng thuế của dân) vơi đi thêm vài tỷ đồng để đội bóng mình chơi một mùa… rồi xuống hạng. Tất nhiên, không ai muốn xuống hạng nhưng với cái nền tảng cũ kỹ theo cơ chế bao cấp thì làm sao trụ nổi.
Lên hạng kiểu như thế thì có nên gọi là lãng phí không?
- Chuyện thứ hai
Vừa rồi nghe tin Vạn Hoa Hải Phòng bị xóa xổ sau khi Vạn Hoa kết thúc 3 năm điều hành theo "phân công" của thành phố. Đội bóng trở về với Sở TDTT. Ô hay! Vậy là Sở TDTT vẫn là "ông chủ" của đội bóng à !? Và Vạn Hoa cũng chỉ là có mỗi trách nhiệm ghép tên, điều hành đội bóng trong một giai đoạn cụ thể thôi sao? Nếu vậy thì chuyện Vạn Hoa có 2, 3 phe phái chắc không chỉ là tin đồn. Nếu vậy thì việc Vạn Hoa Hải Phòng không có đường hướng tương lai cũng là chuyện không khó hiểu. Té ra, cái gọi là CLB chuyên nghiệp Vạn Hoa Hải Phòng khác nào việc ghép tên tài trợ thôi chứ chẳng hay ho gì hơn. Kết quả như thế nào thì đã biết.
Một chuyện khác: ở Đà Nẵng, việc chuyển giao đội bóng cho SH Bank chưa đâu vào đâu vì vướng chuyện định giá đất. Cơ quan quản lý tài chính thì muốn tính tổng tài sản chuyển giao bao gồm cả quỹ đất ở khu tập trung lẫn khu đào tạo. Nếu tính theo kiểu ấy, sơ sơ đã lên đến 5-600 tỷ đồng. Cỡ số tiền ấy thì ai mà mua? Ai ở Việt Nam đủ tiền mua đội bóng theo kiểu ấy.
Tất nhiên, ví dụ như SH Bank có đủ tài lực để mua theo số tiền định giá ấy thì họ không dại gì để 2 khu đất trị giá gần 500 tỷ đồng đó làm nơi tập trung và huấn luyện. Đã tính giá như thế thì việc gì họ không dùng khu đất ấy mà đầu tư công trình để cho thuê hoặc bán lại. Rốt cục thì tài sản đội bóng cũng chỉ là các cầu thủ thôi chứ làm gì có đất. Chuyện một doanh nghiệp mua đội bóng rồi tìm chỗ cho đội ăn ở, tập luyện là việc của họ. Tại sao không qui định rằng các khu đất đó phải giữ nguyên mục đích sử dụng chứ không được tính thành tài sản, hoặc ít ra là tính chuyện cho chủ sở hữu mới thuê lại.
Đà Nẵng đang có chủ trương là "bán hết", nên cái gì định giá được là cứ định giá, thành ra công tác chuyển giao giậm chân tại chỗ. Bán hết kiểu đó cũng không ổn chút nào.
***
Mỗi đội bóng có một lượng khán giả riêng. Gạch Đồng Tâm là đơn vị có trụ sở trên địa bàn TPHCM, nhưng khi tiếp nhận đội bóng, họ vẫn xem Long An là mảnh đất của đội bóng và sử dụng nguồn lực lớn nhất từ địa phương. SH Bank mà có mua Đà Nẵng chắc cũng muốn đội bóng mình ở Đà Nẵng, đá sân Chi Lăng và tận dụng tình yêu bóng đá của cư dân sông Hàn để… bán hàng và phát triển thương hiệu. Cách tính "bán hết" như ở Đà Nẵng không hợp lý là ở chỗ ấy.
Nhưng cái kiểu bán thì vẫn bán, nhưng vẫn muốn làm chủ như chỗ Vạn Hoa Hải Phòng cũng không xong. Một đội chuyên nghiệp thì không thể có 2-3 ông chủ khác nhau. Nếu địa phương không có khả năng quản lý đội bóng thì nên để doanh nghiệp tham gia một cách trọn vẹn. Doanh nghiệp khi đầu tư vào bóng đá cũng không muốn di dời CLB đi đâu cả. Vì vậy, địa phương nếu có tham gia thì cũng dừng ở mức ràng buộc với doanh nghiệp không được chuyển dời "hộ khẩu" của đội bóng, hoặc không được thay tên địa phương.
Điều tốt nhất là nên thực sự chuyên nghiệp CLB bằng cách thành lập hẳn một công ty có pháp nhân hẳn hoi để quản lý CLB. Địa phương có thể giữ lại phần "hồn" của CLB bằng cách có cổ phần trong ấy. Như thế thì chỉ còn chuyện chuyển giao cho những người thực sự có tiềm lực chứ không phải là bán hết theo kiểu Đà Nẵng, quản lý hết như kiểu An Giang hay giao cho rồi lấy lại như Hải Phòng.
Khổ nỗi, ba cách ấy lại đang phổ biến ở Việt Nam, theo kiểu chuyên nghiệp của riêng chúng ta.
Hồ Việt
QUẬN BÌNH THẠNH (TPHCM) SẼ CÓ SÂN BÓNG MỚI |
Vậy là sau 17 năm (từ 1990) theo đuổi và chờ đợi, dự án xây dựng một sân bóng đá "cho ra ngô, ra khoai" của ngành TDTT quận Bình Thạnh (TPHCM) rốt cuộc cũng có lối ra, khi UBND TPHCM phê duyệt cho ngành khu đất có diện tích 33.812 m2 nằm ngay tại mặt tiền đường D3 (phường 25, Bình Thạnh) để xây dựng một sân vận động đạt chuẩn quốc gia. Sáng 29-9, lễ khởi công xây dựng công trình thể thao này đã diễn ra với sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo thành phố, Sở TDTT TPHCM và các quận, huyện. Từ lâu, thể thao Bình Thạnh chỉ dựa vào nhà thi đấu đa năng để xây dựng bóng đá trong nhà, trong lúc luôn phải mượn sân để đào tạo bóng đá ngoài trời, nên sức phát triển chưa thực sự mạnh mẽ. Tiềm năng bóng đá của quận không nhỏ, nhưng chủ yếu bị các quận khác… khai thác dùm. Chính vì vậy, việc ra đời một sân bóng (trong tương lai) sẽ giúp quận có hoạch định rõ ràng và lâu dài hơn cho môn thể thao vua này. |