
Từ năm 1996, UBND quận Tân Bình đã dành kinh phí xây dựng một khu nhà tình nghĩa trao tặng những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sinh sống trên địa bàn. Sau khi tách quận, khu nhà tình nghĩa này thuộc phường Tây Thạnh, quận Tân Phú và được tiếp tục xây thêm 24 căn hộ nữa cho các gia đình thương binh liệt sĩ (TBLS). Có lẽ đây là khu nhà tình nghĩa tập trung đầu tiên và duy nhất trong cả nước.

Bị thương nặng nhưng những thương binh này vẫn miệt mài với công việc.
Chị Bùi Thị Tâm, hơn 50 tuổi, thương binh ¼, bị mù cả hai mắt, ngụ tại số nhà 30/1 Dương Đức Hiền, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú vui vẻ báo tin : “Lãnh đạo quận vừa tới thăm và tặng quà cho chị. Chị rất vui vì vẫn được xã hội quan tâm, chăm lo chu đáo...”.
Cách đây hơn 30 năm, chị Tâm tham gia phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên tại Huế. Chị bị lưụ đạn cay của địch ném trúng mắt. Từ ngày về căn nhà tình nghĩa này, chị thật sự yên tâm. Chị còn bảo em gái và các cháu có hoàn cảnh khó khăn về ở chung cho vui. Hàng ngày, chị vẫn khuyên bảo các em, các cháu chăm chỉ làm ăn, sống đúng pháp luật.
Kế bên nhà chị Tâm là nhà cô Nguyễn Thị Thu Hồng, vợ của một thương binh 2/4. Cô Hồng cho biết : “Chồng em bị cụt chân trong một trận chiến đấu ác liệt. Trở về đời thường anh vẫn bươn chải làm đủ thứ nghề như : chạy xe ôm, buôn bán ve chai... để kiếm tiền nuôi vợ con. Dọn về căn nhà tình nghĩa này từ năm 1999, gia đình em tạm ổn chỗ ở nhưng vẫn thiếu vốn làm ăn. Hàng ngày em phải lên tận công viên Lê Thị Riêng quận 10 bán trái cây dạo, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Năm nay gia đình em được Hội phụ nữ quận hỗ trợ 3 triệu đồng vốn để làm ăn. Với nguồn vốn này, em đã đặt làm tủ bán hàng gần nhà để đỡ vất vả, lo cho con đi học...”.
Anh Nguyễn Thanh Hải, 43 tuổi, thương binh 2/4 có hoàn cảnh khá ngặt nghèo. Trước khi đi bộ đội, Hải đã có vợ và một con. Chính lúc Hải bị thương nặng, cụt chân đang điều trị thì nghe tin vợ bỏ đi. Biết hoàn cảnh anh khó khăn, quận đã trao tặng anh căn nhà tình nghĩa. Có nhà ở và lương thương binh khoảng 500.000 đồng/ tháng, anh không chịu ngồi yên. Anh rủ mấy anh em thương binh trong xóm mở tiệm rửa xe, kiếm thêm thu nhập. Nhìn anh miệt mài làm việc không kém gì những người đàn ông khỏe mạnh khác, chúng tôi rất đỗi cảm phục. Theo anh, chính công việc đã giúp anh có nghị lực trong cuộc sống.
Cùng trong nhóm thương binh làm nghề rửa xe tại khu nhà tình nghĩa này có anh Nguyễn Đức Thanh, 40 tuổi, thương binh 2/4. Anh Thanh đã có vợ và hai con gái. Bị thương phải cưa chân, tuy đau đớn nhưng nhờ có vợ bên cạnh động viên, anh đã vượt qua. Vậy mà khi lành bệnh trở về, vợ chồng anh lại thường xuyên lục đục. Cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt” kéo dài nhiều năm không giải quyết được, anh đành phải ly dị vợ và nhận nuôi hai đứa con gái, đứa 7 tuổi, đứa 11 tuổi.
Tuy nghèo, nhưng anh thật giàu lòng thương người. Thấy một bé trai mù lòa tên là Trương Hán Long, nhà ở quận 11 bị cha mẹ bỏ rơi, anh Thanh đem về nuôi dưỡng. Anh bảo: “Ước gì có tiền để chữa cho Long được sáng mắt”. Những lúc vắng khách, Long cầm đàn hát cho các anh thương binh nghe và cùng hát với họ. Long thường hát bài “Một đời người, một rừng cây”, trong đó Long thích nhất đoạn “Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất trời...”.
Trong khu nhà tình nghĩa này tập hợp những thương binh, thân nhân liệt sĩ đủ mọi lứa tuổi, trẻ có, già có. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều đang nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình để vươn lên trong cuộc sống. Cụ Phan Nghĩa, ngoài 90 tuổi đã tham gia hai cuộc kháng chiến, có huy hiệu 50 tuổi Đảng, có hai con là liệt sĩ. Cụ đang sống cùng với người cháu nội. Hàng ngày, cháu nội đi chạy xe ôm, cháu dâu ở nhà lo chăm sóc ông. Hai đứa chắt nội của ông thương ông lắm, chúng cứ quấn quít bên ông. Nhìn nét mặt bình thản của ông, chúng tôi hiểu rằng ông đã tạm bằng lòng với cuộc sống này.
MINH NGỌC